> Lòng dân hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
> Hàng nghìn người vào viếng Tướng Giáp
“Tôi quyết định chơi một ván”
Trong buổi chiều 6/10, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang nhớ lại:
“Có tới hơn 300 diễn viên tham gia Bài ca Điện Biên, một sự kiện sân khấu lúc bấy giờ. Các đoàn nghệ thuật của quân đội, công an cùng góp diễn với Nhà hát Kịch. Quân nhạc cử nhạc ngay tại sảnh nhà hát. Tôi để diễn viên diễn từ sảnh diễn vào, len lỏi trong khán giả, trên sân khấu. Khán giả muốn xem chỗ nào thì xem. Chỗ thì kéo pháo, hò dô ta, chỗ thì dân công đẩy xe thồ, rồi múa sạp, đọc thơ… Những người chịu trách nhiệm về đêm diễn đều mặc quần áo bộ đội. Bản thân tôi là tổng đạo diễn, cũng quần áo bộ đội dù tôi để tóc dài.
Cả ngàn người vụt đứng dậy vỗ tay như sấm rền, nhiều người khóc. Mình bật khóc nức nở, chạy ra khỏi hội trường đứng khóc, hét to ôi sướng quá trời ơi Nguyễn Quang Lập, kể lại kỷ niệm xem Bài ca Điện Biên, giây phút diễn viên Đoàn Dũng đứng trước Tướng Giáp và báo cáo y như thật |
Kịch bản Bài ca Điện Biên của Tất Đạt, không có vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong quá trình làm vở, tôi được lệnh không nhắc tên Đại tướng mà chỉ gọi chung chung là Bộ chỉ huy mặt trận.
Nhưng rồi một buổi, nghe tin Đại tướng sẽ đi xem, tôi bàn với anh Đoàn Dũng, người đóng vai Chính ủy mặt trận trong vở kịch, rằng nhất định phải chơi một ván.
Hôm ấy, đi xem Bài ca Điện Biên, Đại tướng ngồi hàng ghế thứ hai. Còn hàng ghế ban công ở tầng 2 dành cho các vị lãnh đạo cao cấp, trong đó có nhà thơ Tố Hữu.
Đó là đoạn gần cuối của vở kịch. Không hề có trong kịch bản, anh Đoàn Dũng hướng đến ghế của Đại tướng, đứng nghiêm dõng dạc: Báo cáo đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Tướng Đờ Catxtơri đang đứng trước mặt tôi… (Vai Đờ Catxtơri do Trọng Khôi thủ diễn).
Đại tướng bị bất ngờ, còn khán giả vỗ tay vang dội. Khoảnh khắc cực kỳ xúc động. Ngay sau đó vở diễn kết thúc. Tôi đỡ tay Đại tướng mời lên sân khấu, lập tức các nghệ sĩ vây lấy ông. Đại tướng cứ trùng trình không chịu đi ngay, đưa tay chỉ lên phía ban công tầng 2, ra ý bảo phải mời các đồng chí kia mới phải.
Một cảnh trong vở “Bài ca Điện Biên”. |
Ở trên sân khấu khi tôi tặng hoa cho Đại tướng, ông nói: Giang ơi, sao lại tặng hoa cho anh? Tôi nói: Anh mới chính là người làm ra “Bài ca Điện Biên”, không có anh thì không có vở diễn này.
Trước đó, chuẩn bị cho tình huống đặc biệt này, tôi có báo cáo với anh Đình Quang, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Anh Quang bảo: Tùy các cậu. Tớ ủng hộ.
Tôi cũng có nói với Nguyễn Quang Lập đi xem hôm ấy: Hôm nay có tình tiết hay lắm chuẩn bị mà xem. Về sau Lập bảo cũng hoàn toàn bất ngờ và rất thích thú”.
Các nghệ sĩ tham gia vở Bài ca Điện Biên. Ảnh tư liệu |
“Diễn xong đêm về không ngủ được”
NSND Đoàn Dũng, người thủ vai Chính ủy mặt trận trong Bài ca Điện Biên, kể lại tình huống có một không hai trong cuộc đời diễn xuất của mình:
“Bài ca Điện Biên hồi ấy là sự kiện gây chấn động giới sân khấu. Tôi lúc ấy mới là nghệ sĩ ưu tú, Phó Giám đốc nhà hát, đi cùng chị Bích Châu đến tận nhà Đại tướng ở Hoàng Diệu để đưa vé mời. Bảo vệ không cho vào, hai đứa đang đứng tần ngần thì bà Hà phu nhân Đại tướng đi qua, bọn tôi mừng quá bèn đưa luôn vé.
Nghệ sĩ Doãn Châu và Trọng Khôi, vai phó chính ủy và Đờ Cát. Ảnh tư liệu |
Cả tổ đạo diễn gồm có anh Dương Viết Bát, Trọng Khôi, Thế Anh và tôi, do anh Doãn Hoàng Giang làm tổng đạo diễn đã chuẩn bị kỹ cho tình huống này. Tôi vẫn đứng trên sân khấu, mặt hướng về phía Đại tướng, đèn bật sáng trưng khi tôi thoại: Báo cáo đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng tôi vừa bắt sống tướng Đờ Catxtơri. Vẫn cái mũ nồi đỏ, vẫn cái can trên tay…
Đại tướng mỉm cười, giơ tay vẫy nhẹ nhàng. Cả nhà hát, tất cả khán giả đứng dậy hoan hô! Diễn xong chúng tôi ào xuống mời Đại tướng lên sân khấu chụp ảnh cùng anh em nghệ sĩ.
Tình huống đặc biệt này được xử lý hết sức tinh tế, biểu cảm, nghệ thuật. Đêm về, tôi không sao ngủ được, nôn nao xúc động. Sau “trận” này, tôi vận động Doãn Hoàng Giang vào Đảng vì chúng tôi coi đây là trận đánh thắng lợi của mình”.
Dương Phương Vinh
|ghi