Tinh gọn bộ máy, cắt giảm hàng nghìn vị trí lãnh đạo

TPO - Bộ Tài chính đã cắt giảm 63 phòng, ban và 193 chi cục thuế, tỉnh Cao Bằng cắt giảm 95 đầu mối, qua đó giảm hàng trăm vị trí lãnh đạo.

Bộ Nội vụ cho biết, đến ngày 25/12, Bộ đã thẩm định xong 42/45 tỉnh, thành. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 21 tỉnh, thành phố.

Cũng liên quan đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc, điển hình: Bộ Tài chính đã cắt giảm 63 phòng, ban và 193 chi cục thuế tại Cục thuế cấp tỉnh, giảm 1.792 đội thuế thuộc chi cục thuế cấp huyện; cắt giảm 143 phòng thuộc kho bạc nhà nước cấp huyện, giảm 48 đơn vị cấp tổ, đội; giảm 12 chi cục hải quan thuộc cục hải quan cấp tỉnh. Bộ Giao thông vận tải đã giảm được 32 tổ chức cấp phòng trở lên. Tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 95 đầu mối tổ chức hành chính, qua đó, giảm 144 vị trí lãnh đạo; cắt giảm 158 đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó, giảm được 474 vị trí lãnh đạo…

Cũng theo Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt biên chế công chức năm 2020, với tổng biên chế là 253.517 người, giảm 8.68% so với năm 2015. Bộ Nội vụ đã thẩm định biên chế sự nghiệp của 63 tỉnh, 20/22 bộ, cơ quan và 8 cơ quan thuộc Chính phủ, với tổng biên chế sự nghiệp bộ, ngành Trung ương là 143.943 người (giảm 11,85%) và địa phương là 1.750.081 (giảm 4,26%) so với năm 2015.

Trong triển khai thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý theo quy định của Bộ Chính trị, thống kê ban đầu có 9/14 cơ quan Trung ương và 17/22 địa phương đã tổ chức thi tuyển được nhiều chức danh cán bộ, lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng.

Liên quan đến cải cách tài chính công, Bộ Nội vụ cho biết, tính đến hết tháng 11/2019, đã có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Luỹ kế đến nay đã có 36/128 doanh nghiệp được cổ phần hoá thuộc danh mục phải cổ phần hoá, đạt tỷ lệ 28.13%.

Cùng với đó, có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Luỹ kế từ năm 2017 đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị theo danh mục với giá trị 4.704 tỷ đồng và thu về 8.964 tỷ đồng.

Một trong những tồn tại bất cập được Bộ Nội vụ chỉ ra là tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với tiến độ đề ra, chỉ đạt 28%. Việc triển khai thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn chậm, chỉ đạt 7,8% so với kế hoạch.

Tồn tại bất cập khác, theo Bộ Nội vụ, một số bộ, ngành còn chậm công bố các nhóm thủ tục hành chính thực hiện liên thông hoặc công bố không đầy đủ. Việc liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành của một số bộ, ngành với phần mềm một cửa điện tử của các địa phương còn bất cập, gây khó khăn cho các địa phương trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm, như đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội.

Nhiệm vụ quan trọng được Bộ Nội vụ nhấn mạnh trong năm tới là đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 18 và 19 của Trung ương cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời thực hiện tốt việc thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

MỚI - NÓNG