Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc:

Tinh giản bộ máy mới tinh giản được biên chế

Tinh giản biên chế không phải đuổi việc người này người kia mà là sắp xếp lại công việc theo năng lực. ảnh: hồng vĩnh
Tinh giản biên chế không phải đuổi việc người này người kia mà là sắp xếp lại công việc theo năng lực. ảnh: hồng vĩnh
TP - Trao đổi với Tiền Phong xung quanh dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế và tờ trình giảm 100.000 biên chế trong thời gian từ 2014-2020 của Bộ Nội vụ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc khẳng định phải tinh giản bộ máy theo xu hướng nhà nước nhỏ đi, xã hội lớn lên mới tinh giản được biên chế.

Nhiều người băn khoăn việc tinh giản biên chế sẽ rơi vào tình trạng làm không tới nơi tới chốn, “đánh trống bỏ rùi”, thậm chí khiến đội ngũ cán bộ công chức tâm tư… Vậy ông có đánh giá gì về dự thảo chính sách tinh giản biên chế lần này?

30 % công chức “cắp ô” không phải là con số vu vơ

“Tôi khẳng định con số 30% công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” không phải con số vu vơ. Năm 2006, khi đánh giá giai đoạn I của Chương trình Tổng thể cải cách Hành chính Nhà nước, lúc đó tôi làm Tổng thư ký đã tổng rà soát đội ngũ cán bộ công chức mới đưa ra con số 30% này chứ không phải nói bâng quơ.

30 % công chức này bao gồm những cán bộ công chức không được đào tạo và không còn phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tế; những người làm trái ngành trái nghề”.

Ông Thang Văn Phúc

Tôi khẳng định việc tinh giản biên chế là việc lớn và không phải việc mới. Tinh giản biên chế là công việc thường xuyên của mọi cơ quan nhà nước, cơ quan công vụ trong quá trình sử dụng cán bộ công chức. Tinh giản biên chế không phải đuổi việc người này người kia mà bản chất là sắp xếp lại công việc theo năng lực, vị trí để tạo nền hành chính thống nhất, thông suốt, tạo không khí mới trong nền công vụ. Những người giỏi, người tốt có điều kiện sắp xếp lại ở vị trí cao hơn, chứ không chỉ đi đun nước pha trà…

Việc tinh giản biên chế cũng là mong muốn chung của xã hội có đội ngũ công chức đáp ứng được yêu cầu mới. Công chức trong thời kỳ mới là công bộc nằm trong nền công vụ phục vụ chứ không phải nền công vụ quản lý xin cho, ban phát. Trong hơn 10 năm qua khi cải cách hành chính, đang chuyển dần theo hướng đó.

Trong dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế lần này quy định rất rõ tinh giản biên chế trong cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ riêng cơ quan hành chính mà kể cả cơ quan Đảng, Quốc hội, các đoàn thể, các hội, tổ chức chính trị xã hội đặc thù có lương, kể cả bộ phận doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường… Như vậy đây là cuộc tổng rà soát toàn bộ đội ngũ cán bộ ăn lương nhà nước. Cho nên đây là thử thách lớn.

Trong dự thảo, tờ trình của Bộ Nội vụ đề cập việc tinh giản 100.000 người trong vòng 6 năm (2014-2020)?

Tinh giản bộ máy mới tinh giản được biên chế ảnh 1

Ông Thang Văn Phúc

Theo tôi số lượng người tinh giản chưa quan trọng bằng việc sắp xếp và phân cấp lại tổ chức cho mạch lạc, rõ ràng, hợp lý, định rõ vị trí việc làm của các công chức trong các cơ quan. Tạo thành một cơ cấu công chức hợp lý trong tổng thể chung.

Thế giới nhìn nhận chúng ta đang lãng phí nhân lực trong việc sử dụng cán bộ. Mặc dù chúng ta đang ở nền kinh tế và nền công vụ trình độ thấp nhưng một cơ quan lại có tới 95% là cán bộ có trình độ đại học trở lên. Đó là điều không cần thiết trong việc sử dụng nhân lực trong bộ máy hành chính, công vụ phục vụ. Thậm chí có nơi có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, tất cả đều là chuyên viên cao cấp, không ai nói được ai. Trật tự một nền hành chính không được thiết lập vì không được tổ chức hợp lý.

Tinh giản biên chế là việc lớn, vậy đâu là những việc cần làm ngay và phương thức thực hiện thưa ông?

Bài học của thế giới cho thấy không ai có thể tự cắt tay, cắt chân mình. Rất hiếm lãnh đạo nào có thể tự giảm biên chế tại chính cơ quan của mình. Đặc biệt người phương Đông lại duy tình hơn duy lý, bỏ ai, giảm ai là chuyện rất đau đầu. Vì thế nói tinh giản biên chế trên tinh thần tự chủ, trách nhiệm là chưa thực tế và khó có thể thành công. Đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta chưa thành công trong việc tinh giản biên chế trong thời gian qua. Qua thực hiện luật cán bộ công chức để xác định vị trí việc làm, xác định biên chế thì lại tăng chứ không giảm như mong muốn.

Vì vậy để thực thi tinh giản biên chế phải có phương pháp và cách thức phù hợp. Trong đó việc đánh giá công chức là khâu rất quan trọng. Cần phải kết hợp giữa tự đánh giá (bên trong) với việc đánh giá bên ngoài. Do đó cần tổ chức độc lập đánh giá về vị trí việc làm, xác định số lượng công chức cần trong một cơ quan. Rõ ràng cần thiết lập công cụ đánh giá, chuẩn đánh giá hiệu quả công việc cả bên trong lẫn bên ngoài là một yêu cầu khách quan, công bằng cần được áp dụng trong đợt tinh giản lần này.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.