Tính du di

Tính du di
TP - Cách đây không lâu, một cậu học sinh tung vi rút lên mạng, lẽ ra cậu nên rút kinh nghiệm khi mọi người du di cho cậu vì lần đầu sai phạm thì cậu lại tiếp tục tung thêm phiên bản mới, tốc độ lây lan cực nhanh và tác hại thì khỏi bàn.

Trong công việc cũng vậy, cứ lần đầu sai phạm thì đinh ninh rằng sẽ chẳng bị xử lí. Có người còn chia ra nhiều lĩnh vực để dễ bề được du di. Lẽ ra các cấp lãnh đạo sai phạm phải xử lí càng nghiêm, vì cái tội “Biết luật mà phạm luật”, thực tế lại khác. Vì ông ta là người có chức nên việc xem xét cần phải... cân nhắc! Tạo nên tâm lí xem thường và “Tội quá nhỏ so với chức thì làm được gì?”.

Một đoạn trong bài: “Trang sức bằng luận án tiến sĩ” đăng trên báo mạng kể chuyện Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học miền Trung – Tây Nguyên năm ngoái: “Hiệu trưởng trường ĐH dân lập Duy Tân (Đà Nẵng) Trương Sĩ Quý đã làm cả hội trường cười ồ khi hóm hỉnh:

“Tôi thấy Hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn ở nhiều cơ sở có “truyền thống” rất nể nang nhau. Tôi du di cho luận án do anh hướng dẫn, để sau này anh lại du di cho nghiên cứu sinh (NCS) mà tôi hướng dẫn! Học viên phải góp tiền để lo cho các thầy từ tiền khách sạn, vé máy bay, rồi ăn uống, quà cáp... dù thầy có tiêu chuẩn hẳn hoi. Thầy giáo hướng dẫn chấp nhận chuyện đó thì làm sao tránh khỏi tình trạng nể nang, du di?”.

Kỳ thi tuyển sinh sau ĐH năm 2005, trong 17 bài thi môn Anh văn đạt điểm trên trung bình của các thí sinh thi NCS vào Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khi Bộ GD-ĐT chấm thẩm định lại, tại Hội đồng thi ĐH Thái Nguyên chỉ có 2 bài đạt yêu cầu.

“Khi tôi hỏi các hội đồng thi tại sao lại có tình trạng này thì họ bảo vì trường còn chỉ tiêu nên du di cho thí sinh. Rõ ràng, không thể nói khác hơn là họ rất vô cảm với chất lượng đầu vào của NCS!” - Bà Trần Thị Hà (Vụ trưởng Vụ ĐH & sau ĐH) nhận xét.

Nể nang, du di tạo nên sự mất công bằng trong xã hội, cứ phải là con cha cháu ông mới được nể, người giàu lấn át người nghèo. Bên cạnh đó làm lụn bại ý chí của con người, bởi họ luôn nghĩ rằng đã có người sau “chống lưng” cho mình thì còn sợ ai?

Tại sao lại cứ phải đợi vi phạm lần sau, lần sau nữa... rồi mới có thể xử lí, trong khi có thể ngăn chặn ngay từ đầu? Xử lí tới nơi tới chốn, không thiên vị một ai. Hình phạt phải mang tính răn đe, giáo dục. Thử xem người ta còn dựa vào nó mà làm càn?

Cấn Thị Phương
Nha Trang, Khánh Hòa

MỚI - NÓNG