Tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đại học Quốc gia Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội, giữ nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho trường cũ, về thăm trường mỗi khi có dịp.

Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhớ lại những kỉ niệm được gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông chia sẻ, khoảng năm 1990, khi đó ông ở lại Khoa Ngữ văn giảng dạy được 12 năm, GS Bùi Duy Tân nhờ ông một việc. GS Tân nói: “Em biết anh Nguyễn Phú Trọng chứ? Em ra mời anh ấy về dạy cho sinh viên khoa Văn chuyên đề báo chí. Anh Phú Trọng có viết quyển Nghiệp vụ viết báo tử tế và có nghề lắm. Cố gắng nhé”.

Nhận ủy thác của GS Tân, nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ tới tạp chí Cộng sản, khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang làm Phó Tổng biên tập. Thật bất ngờ, Phó Tổng biên tập Nguyễn Phú Trọng nói: “Được về phục vụ sinh viên khoa ta thì còn gì bằng. Nói với thầy Tân là học trò xin đáp ứng. Vinh dự quá!”.

Sau khi bàn lịch dạy, đến việc đi lại, Tổng Bí thư thống nhất về khoa dạy là chuyện cá nhân, ông tự tìm cách đi, không sử dụng ô tô cơ quan. “Tôi biết khi đó, anh đã là Phó Tổng biên tập Tạp chí, hàm tương đương Thứ trưởng, có chế độ xe công. Tôi dè dặt đặt vấn đề hay là em chở anh bằng xe đạp, em chỉ có xe đạp thôi”. Anh bảo: “Thế thì tốt quá! Còn hơn thời sơ tán Thái Nguyên! Nhà mình cũng chỉ một con xe máy, bà ấy đi làm”, ông Vĩ bồi hồi nhớ lại.

Tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đại học Quốc gia Hà Nội ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, sinh viên Trường Đại học KHXH&NV ngày 16/11/2010. Ảnh: Bùi Tuấn

GS Vũ Minh Giang khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người bình dị, thân thiện và có sự quan tâm đặc biệt tới mọi người xung quanh. “Mỗi khi về trường hoặc nhắc tới trường, tôi có cảm giác Tổng Bí thư đã lùi thời gian lại như mình đang là sinh viên. Nói chuyện hồn nhiên kể về thời đi học, về thầy giáo, không còn khoảng cách”, ông nói.

Câu chuyện trên đường đi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết hoàn cảnh của ông Vĩ khi đó nên mời cứ 11 giờ, ra phố Nguyễn Thượng Hiền đợi rồi sang nhà Tổng Bí thư ăn cơm cùng.

“Cán bộ giảng dạy, tớ lạ gì hoàn cảnh nữa”, lời nói thân tình của Tổng Bí thư đã xóa đi mặc cảm của nhà giáo nghèo. Từ đó, vào ngày dạy, ông lên tầng 3 tập thể ăn cơm cùng gia đình Tổng Bí thư. Bữa cơm có rau muống, nước mắm và mươi lát thịt ba chỉ thái khéo, mong mỏng.

Thế rồi sau đó, ông Vĩ nhận được tin nhắn nhận quà. Đạp xe tới nhà của nhà thơ Vũ Duy Thông, bạn khóa 8 Văn khoa Tổng hợp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thấy một gói giấy báo, mở ra là chiếc áo vest cũ màu xanh rêu. Nhà thơ nói là ông Trọng gửi tặng vì thấy vừa người ông Vĩ. Ông Vĩ cho hay biết mặc vest từ ngày đó.

Quan tâm đặc biệt đến giáo dục

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mong muốn Đại học Quốc gia Hà Nội với tư cách là trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao có điều kiện để thể hiện vai trò tiên phong trong việc thực hiện thắng lợi những chủ trương lớn của Đảng, để nhanh chóng trở thành đại học nghiên cứu, đẳng cấp quốc tế. Dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển giáo dục, khoa học công nghệ.

Nhân dịp Trường Đại học kỉ niệm 65 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (16/11/2010), khi đó, đang là Chủ tịch Quốc hội, ông về thăm và gặp mặt thân mật thầy cô giáo của trường. Ông bày tỏ sự vui mừng khi về thăm trường cũ và thấy sự phát triển mạnh mẽ của nhà trường.

Ông tin tưởng nhà trường tiếp nối truyền thống vẻ vang của đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập do Bác Hồ đích thân kí sắc lệnh thành lập, có bước phát triển mạnh hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, tiếp tục khẳng định thương hiệu của một trung tâm đào tạo và nghiên cứu KHXH&NV hàng đầu đất nước.

Với tình cảm của một cựu sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi đã trưởng thành từ mái trường này và mãi tự hào về truyền thống và thương hiệu mà nhà trường đã có”.

“Đó là một bậc đàn anh hiền hậu, giàu lòng thương người, cảm thông với mọi người. Thứ hai là nghiêm túc và tận tụy với công việc, nhìn những bút tích còn để lại thời sinh viên được lưu trữ thì thấy nét chữ đúng là nết người. Thứ ba là người vững tin vào chính kiến của mình, rất nguyên tắc trong công việc nhưng đặt nguyên tắc đó trong sự phức tạp của tình thế vận động mà uyển chuyển.

Thứ tư là hết lòng vì việc chung, lấy hiệu quả công việc làm chính mà riêng mình thì ẩn nhẫn, không tô vẽ, không “làm màu”. Thứ năm là sự kiên dũng trong tâm khảm, tư duy rốt ráo để vào cuộc với quyết tâm rất cao. Thứ sáu chắc chắn là, đó là một chính khách trong sạch theo tinh thần “khắc kỉ phục lễ”. Tổng Bí Thư là người hành động 62 năm không ngơi nghỉ, trọng “tài” nhưng luôn đặt chữ “tâm”, chữ “tình” lên trước”- Nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định, không chỉ là một nhà lãnh đạo bình dị, khiêm tốn, chân thành, gần gũi, sâu sát thực tế, gắn bó với nhân dân và luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng, Tổng Bí thư còn là nhà tư tưởng có tầm nhìn chiến lược.

“Tôi còn nhớ trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học dự Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5 ngày 15/12/2016, các học giả nước ngoài tất thảy đều ngỡ ngàng và bày tỏ sự ngưỡng mộ khi GS Nguyễn Phú Trọng thể hiện kiến thức uyên bác và đưa ra ý kiến thuyết phục, rằng chỉ trong vòng 30 năm nữa thôi (nghĩa là vào dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 100) Việt Nam sẽ đứng vào hàng ngũ các nước phát triển”, GS Giang chia sẻ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiểu sâu sắc tầm quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021, cùng với việc nhấn mạnh tư tưởng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đã đưa ra quan điểm có tính nền tảng “văn hoá là hồn cốt của dân tộc”. Đó chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là tài nguyên vô tận giúp đất nước tạo ra lợi thế con người trong quá trình hội nhập, toàn cầu hoá.

MỚI - NÓNG