Cuốn sách độc đáo ở chỗ nó thi hóa các nghiên cứu về Biển Đông của tiến sĩ Nguyễn Nhã bằng những vần thơ đẹp, dễ hiểu, dễ nhớ, bao gồm các phần: địa lý chính trị, lịch sử xác lập chủ quyền, hoạt động của đội dân binh, thủy quân, châu bản, sử liệu. Chẳng hạn các nghiên cứu châu bản được thi hóa thành các câu thơ: “Vua còn phê nét son thiêng/ Thuyền đi cắm mốc theo thuyền lưu danh”. Phần giải pháp cho Biển Đông, có những câu thơ: “Bảo vệ biển đảo thiêng liêng/ Hi sinh lợi ích trung kiên tới cùng”.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho biết qua quá trình nghiên cứu, giảng dạy, hội thảo về Biển Đông ông thấy nhiều người Việt Nam còn chưa hiểu rõ lịch sử cũng như trách nhiệm với chủ quyền biển đảo, bởi vậy ông đã tổ chức trang web, viết sách nghiên cứu, dịch các tài liệu ra tiếng Anh để phổ biến, thi hóa, nhạc hóa, đưa vào các nhà trường, thư viện để mọi người nắm vững hơn tư liệu về quá trình làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc Việt Nam trải qua nhiều thế kỷ.
* Chương trình ca nhạc “Ca ngợi Tổ quốc” tối 19/5 tại Nhà hát Lớn TPHCM gồm hai nội dung chính: Phần 1 là bản giao hưởng Miền Đông thành đồng của nhạc sĩ Vĩnh Lai. Phần 2: Tổ khúc múa Tổ quốc. Hai tác phẩm này được đánh giá là mốc phát triển quan trọng của nghệ thuật hàn lâm Việt Nam. Giao hưởng bốn chương Miền Đông thành đồng đầy hiện đại, sáng tạo dựa trên chất liệu dân ca Nam bộ. Tổ khúc múa Tổ quốc là tác phẩm mới gây chú ý cho giới chuyên môn. Tạ Thùy Chi cùng các diễn viên múa của Nhà hát Thực nghiệm Trường Múa TPHCM thể hiện tiết mục này.