Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tiếng dương cầm không lặng lẽ

Ông đã từng xuất hiện nhiều trong đêm diễn của các nghệ sĩ với tư cách là một người chơi đàn piano. Lặng lẽ, khiêm nhường. Nhưng lần này, ở nơi thánh đường của âm nhạc, lần đầu tiên nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 xuất hiện với tư cách là một tác giả của những bản tình ca buồn, day dứt: “Cô đơn”, “Bơ vơ”, “Tiếng hát lạc loài”…
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tiếng dương cầm không lặng lẽ ảnh 1

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lần này mang tên “Kỷ niệm”. “Kỷ niệm” về một quãng sống nhiều hạnh phúc và cũng nhiều phiền muộn, về những yêu thương đã có trong đời. Cuộc sống là những ký ức, buồn hay vui thì cũng là máu thịt của mình rồi… Lần đầu tiên ông kể về cuộc đời mình, về những hạnh ngộ, được mất trong cuộc sống này.

Tôi hỏi ông, nếu cuộc sống cho ông những lựa chọn khác, ông sẽ lựa chọn lại những gì? Người nhạc sĩ già trầm tư, ông sẽ vẫn chọn cây đàn piano và con đường âm nhạc mà ông đã gắn bó trọn vẹn cả cuộc đời. "Tôi đã có một cuộc đời đẹp. Tiền bạc cũng chẳng mang lại điều gì. Nhưng tôi đã có một cuộc đời ấm áp với cây đàn piano" - nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ. Dẫu có những thăng trầm, buồn khổ, nhưng với ông đó là hạnh phúc. Câu chuyện đôi lúc bị ngắt quãng vì ông không kìm nén được xúc động.

Ông không còn khỏe nữa. Mấy năm nay, căn bệnh phổi mạn tính khiến người ông gầy rộc. Những ngón tay khô lại với thời gian. Nhiều người lo lắng, hai đêm nhạc liên tục ở Nhà hát Lớn sẽ khiến sức khỏe ông suy sụp. Nhưng với âm nhạc, năng lượng sống của ông chưa bao giờ cạn. Ngồi trước cây đàn, ông quên hết những muộn phiền, mỏi mệt. Và dường như, “người bạn tri kỷ” ấy đã giúp ông trút bỏ được những tâm sự trong đời sống quá nhiều bon chen này.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 viết không nhiều. Chỉ vài ba chục bài. Mỗi bài hát của ông đều gắn liền với một kỷ niệm, những mất mát, đổ vỡ. Đôi khi đó là câu chuyện tình của một người bạn thân. Ông viết với một xác tín rằng, những gì từ trái tim sẽ đến với trái tim. Những bài hát của ông đã trở thành “chốn nương thân” của những tâm hồn cô đơn. Bởi ai đã nghe nhạc Nguyễn Ánh 9 sẽ không thôi day dứt với nỗi buồn trong âm nhạc của ông. Ông nói, đó là một thế giới riêng, trong tâm tưởng người nghệ sĩ, một thế giới mà ở đó không ai chạm tới. Và ông trút nó vào âm nhạc.

"Tình yêu một thoáng lên ngôi, nhẹ nhàng như áng mây trôi, dịu dàng như ánh trăng soi êm êm hương yêu, dâng trong hồn tôi. Nghe như chim ngàn phiêu lãnh theo mây trời lang thang rong chơi cùng năm tháng, ôi đêm đêm cùng tiếng hát cho vơi niềm thương nhớ còn gì cho ước mơ. Người hỡi cho tôi quên đi bao nhiêu kỷ niệm xa xưa, người hỡi cho tôi quên đi bao nhiêu mộng đẹp nên thơ, tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi, chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi, cô đơn, bơ vơ, tiếng hát lạc loài".

Bắt đầu từ bài “Không”, rất ngẫu hứng, trở thành nổi tiếng khi Khánh Ly hát vào những năm 1970 của thế kỷ trước. Rồi sau đó là loạt bài hát buồn: “Cô đơn”, “Bơ vơ”, “Tiếng dương cầm lặng lẽ”. Có những bài hát gắn liền với những câu chuyện tình, với kỷ niệm của bạn bè. Có những bài hát ông sáng tác tới 5 năm như bài “Cô đơn”. Ông viết từ nhu cầu nội tâm của chính mình, viết không để cầu danh. Thế nên, âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 là một cuộc độc hành của nội tâm. Và may mắn, nó đã tìm được sự đồng cảm trong tha nhân.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tiếng dương cầm không lặng lẽ ảnh 2

Cơn cớ của những nỗi buồn trong âm nhạc của ông bắt đầu từ một câu chuyện tình mà giờ đây chỉ còn trong tâm tưởng. Ngày đó, chàng trai Nguyễn Ánh 9, 17 tuổi, mê say cây đàn piano. Dù được theo học trường Tây từ nhỏ, nhưng ông nhận ra rằng, cuộc đời mình chẳng liên quan gì đến những con số, những tính toán. Ông mê đàn, không có đàn thì vẽ khung nhạc lên giấy và gõ tay theo từng nốt nhạc. Bố bắt ông lựa chọn giữa âm nhạc và gia đình, vì thời đó, họ quan niệm giới ca sĩ, nhạc sĩ là “xướng ca vô loài”. Vốn độc lập nên ngay từ thời đó, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã có những quan điểm riêng. Ông không ngần ngại lựa chọn âm nhạc, bởi ông hiểu, âm nhạc là cuộc đời mình.

Nguyễn Ánh 9 ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống lang bạt, với nhiều mộng tưởng về cây đàn piano. Sự ra đi của ông cũng là hồi kết cho một câu chuyện tình thời trẻ, để mãi sau này, những dư âm buồn của nó vẫn còn ám ảnh trong từng nốt nhạc của ông. Khi kể lại câu chuyện này, ông lặng người đi. "Tôi nghĩ rằng, cứ tin yêu cuộc sống này, dù đã có rất nhiều đổi thay. Trong đời vẫn có những tình yêu đẹp, dù nó chỉ còn lại trong tâm tưởng".

Lựa chọn ra đi năm 17 tuổi đã để lại trong ông nhiều đau đớn, mất mát. "Đời tôi buồn nhất là hiểu lầm về ba. Khi ông mất, tôi mới  hiểu, ba rất thương tôi dù từ ngày đó hai ba con không nói chuyện với nhau. Ông mất khi tôi đang lưu diễn ở Pháp. Trở về nhà, tôi tìm thấy trong tủ những đĩa nhạc của mình, ba vẫn mua và lưu giữ lại tất cả. Tôi hiểu ra thì đã quá muộn rồi".

Rồi ông kể về những năm tháng lang bạt ở các phòng trà Sài Gòn, vừa làm thuê kiếm sống, vừa mày mò học đàn. Cũng từ phòng trà này, bắt đầu cho một hội ngộ tri âm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly, một cuộc hội ngộ để lại nhiều hạnh phúc nhưng cũng nhiều phiền muộn trong cuộc đời ông.

Cũng bắt đầu từ đó, hằng đêm, nhạc sĩ Nguyễn Ánh đệm đàn cho Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu hát. Đó là những năm 1970, một thời "nghèo nhưng vui". Mối tình tri kỷ của ba người, người sáng tác - người trình bày - và nhạc công - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly - Nguyễn Ánh 9. Họ du ca trong những giấc mơ đời, hát về những buồn đau, mất mát trong đời sống với tâm thế yêu thương cuộc đời, yêu thương con người. Hát như một chuyến viễn du bất tận đi vào những miền rung cảm của trái tim. Người nhạc sĩ già trở nên trầm lặng và buồn khi nói về những người bạn tri kỷ một thời. Ông nói có lẽ đó là thời đẹp nhất trong cuộc đời ông. Một thời tiếng đàn của ông tìm gặp được tri âm.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Tiếng dương cầm không lặng lẽ ảnh 3

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và những gương mặt mới trong đêm nhạc.

Sau này, khi Trịnh Công Sơn quá nổi tiếng và có rất nhiều bạn bè, Nguyễn Ánh 9 ít gặp ông hơn. Chỉ khi nào muốn trò chuyện cùng nhau, hai người có thể ngồi suốt đêm, uống rượu, hút thuốc và rồi sau đó, mỗi người theo đuổi cuộc sống riêng của mình.

Một nghệ sĩ đắm say với cây đàn, dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc. Nhưng có những thời đoạn, khi nhạc điện tử lên ngôi, cây đàn piano dường như bị lãng quên. Ông buồn lắm. Tôi nhớ niềm hạnh phúc của ông khi cách đây 3 năm ra Hà Nội đệm đàn cho Ánh Tuyết hát trong đêm nhạc Mùa xuân đầu tiên. Lần đó, ông rưng rưng hạnh phúc. Tiếng đàn piano của ông lại được vang lên kiêu hãnh trên thánh đường âm nhạc. Ông đã được "tái sinh" trong âm nhạc, trong tiếng đàn piano da diết buồn. Cuộc hội ngộ lần đó ở Hà Nội đã để lại trong cuộc đời người nghệ sĩ Nguyễn Ánh 9 những xúc cảm khó tả. Bởi với ông, âm nhạc là lẽ sống của đời mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được những người trẻ trong giới trân quý gọi bằng "bố". Họ yêu quý ông bởi tài năng một nhẽ. Họ trân trọng ông bởi sự khiêm nhường và tử tế. Và ông hạnh phúc khi có một mái ấm bình yên để trở về. ở đó có người vợ đã hy sinh sự nghiệp nghệ thuật của mình, lặng lẽ đứng sau chồng. ở đó có những đứa con say mê âm nhạc, lựa chọn âm nhạc như một sự tiếp nối. Ông tự hào về các con: "Nguyễn Quang còn mê cây đàn hơn tôi. Năm 11 tuổi, nó đi thi được giải, đạp xe hớn hở về khoe với bố, trên đường bị tai nạn đập mặt xuống đường phải băng bó. Hai hôm sau chung kết, nó vẫn xin bác sĩ ra viện để thi, mặc dù mặt sưng vêu. Thế mà nó vẫn được giải A".

Có thời đoạn các con muốn vợ chồng ông qua Mỹ sống. Nhưng nhạc sĩ từ chối. Ông trọng cuộc sống tình cảm và những mối quan hệ bạn bè. Sang Mỹ sẽ thấy mình bơ vơ lắm.

Hằng đêm, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn chơi đàn ở một khách sạn lớn ở Sài Gòn, hay "lọ mọ" đàn cho các ca sĩ hát. Không phải để mưu sinh như nhiều người nghĩ. Ông chơi đàn như một cách để tận hưởng niềm hạnh phúc của mình, bởi nếu không có nó, cuộc sống với ông sẽ vô nghĩa.

Tôi nhớ, có lần ông nói, ông chỉ có một tâm nguyện duy nhất, là khi chết, trên ngôi mộ của ông sẽ có hình hài của cây đàn piano, đó là cách ông được trọn vẹn nhất với thế giới mà ông lựa chọn.

Hai đêm nhạc “Kỷ niệm” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sẽ diễn ra vào ngày 16 và 17/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ở đó, ông sẽ kể lại những kỷ niệm gắn liền với các sáng tác mình. Và phần lớn các ca sĩ Hà Nội, những người mới sẽ mang lại cho các ca khúc của Nguyễn Ánh 9 một màu sắc mới. Điều đặc biệt trong chương trình này sẽ có bản song tấu piano của hai cha con Nguyễn Ánh 9 và Nguyễn Quang.

Theo Theo Cảnh sát Toàn cầu
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.