Ngủ với hồn ma dựa trên ba câu chuyện trong tập truyện ngắn Không có ma của Hoàng Anh Tú, do Bá Vũ chuyển thể và đạo diễn. Được biết đạo diễn ấp ủ dự án này từ 10 năm nay, kịch bản viết đi viết lại vì phải tìm cách chắp nối các câu chuyện với nhau.
Mở đầu phim là câu chuyện của Mỹ Lan đến một trường nghệ thuật hoàn thành khóa học đạo diễn. Bỏ ngoài tai mọi lời dèm pha của các bạn sinh viên, với tư tưởng “trên đời này làm gì có ma”, cô dọn lên sân thượng hoang vắng ở trong phòng đạo cụ. Tư tưởng này được một phen thử thách với những biến cố đầy màu sắc kinh dị và hồi hộp trong bối cảnh trong phòng tắm cũ kỹ và căn phòng đầy đồ đạc mang màu sắc kinh dị trên sân thượng.
Câu chuyện đó chỉ là phụ, phần chính của phim là câu chuyện về cô sinh viên Thiện Tâm-chuyên thủ vai nhát ma trong trường-và bạn trai Khương Duy. Sau khi gây ra một vụ tai nạn giao thông, cả hai thường xuyên gặp ác mộng, nhất là Thiện Tâm lúc nào cũng bị ám ảnh vì thường xuyên thấy ma.
Không thể phủ nhận phần đầu phim đã có yếu tố kinh dị và có những khung hình đẹp khi giới thiệu ma nữ. Câu chuyện hai y tá cố tung hứng, cù léc và dọa khán giả vẫn mang nặng tính tấu hài sân khấu, chỉ được cái là không khí âm u của bệnh viện trong đêm, âm nhạc sử dụng hợp lý cũng khiến người xem vài phen giật mình.
Những chiêu trò dọa ma cũng được đạo diễn vận công tung ra hết ở phần đầu. Cảnh mưa gió, cúp điện, bóng ma thấp thoáng ngoài cửa sổ, cảnh trong nhà tắm với hình ảnh cục xà bông đầy máu và gương mặt đỏ lòm của nhân vật cũng dọa được những người yếu tim.
Trong buổi chiếu ra mắt báo giới cuối tuần qua, nhiều khán giả nữ yếu bóng vía có người nhắm tịt mắt gục đầu vào vai người bên cạnh, hoặc hét toáng lên. Với những khán giả là fan của thể loại này, nhất là xem quá nhiều phim kinh dị Hollywood thì chừng ấy chưa đủ đô. Thậm chí nhiều đoạn còn khiến khán giả cứng bóng vía cười rần rần, vì thoại và hình ảnh không hợp lý. Có cảnh máu me nhưng không hiểu ê kíp chuẩn bị đạo cụ thế nào lại ra màu hồng nhạt của rượu vang.
Có thể là phim đầu tay nên đạo diễn Bá Vũ kiểm soát câu chuyện chưa tốt. Càng về cuối phim càng đuối. Cứ tạm cho là đạo diễn đã chọn được một cách liên kết hai câu chyện, nhưng do dồn sức hù khán giả ở phần đầu, nên phần sau gần như không có cao trào. Trò dọa ma nhàm và lặp lại nhiều lần, nhất là ở những cảnh với nữ nhân vật Thiện Tâm khi cô liên tiếp nhìn thấy ma. Tinh thần “ma là phần đen tối nhất của con người” mà các nhà làm phim muốn chuyển tải tới khán giả chưa thành công.
Có vẻ với gương mặt dễ coi, Kim Tuyến được mời diễn xuất khá nhiều phim điện ảnh. Không phải vì thế mà cô tiến bộ gì đáng kể, nhiều đoạn diễn biến tâm lý của nhân vật Mỹ Lan rất căng cứng. Chưa kể, mới xuất hiện và giải thích lí do đến trễ với sinh viên rằng “nhà cô có đại tang”, nhưng gương mặt lại tươi quá sức cần thiết.
Diễn viên không phải thế mạnh của bộ phim này. Hồ Vĩnh Anh trong vai Duy vốn xuất hiện trong nhiều video ca nhạc, quảng cáo nhưng giao cho anh chàng một vai cần diễn cả nội tâm quả là mạo hiểm. Đài từ nặng và thoại như dằn từng tiếng, diễn xuất trong nhiều cảnh gần như một kiểu khiến vai Duy thất bại.
Cô diễn viên có vẻ mới mẻ Băng Khuê được chọn cho vai Thiện Tâm gây ấn tượng ngay phút đầu xuất hiện. Đôi mắt buồn trên gương mặt u uất rất hợp trong không khí phim kinh dị. Nhìn là ra chất cô hồn ngay. Điều tưởng là điểm cộng lại thành ra phản chủ, bởi nét mặt này không mấy thay đổi trong nhiều cảnh sau. Có thể một phần do tình huống truyện của nhân vật nhàn nhạt và lặp lại nên diễn viên chưa nhiều kinh nghiệm như cô khó xoay xở.
Ngủ với hồn ma chưa đủ nặng cho các khán giả mê phim kinh dị Việt Nam. Không ít khán giả bình luận trên các diễn đàn mạng rằng, lần sau khỏi mất công xem phim kinh dị Việt vừa không ép phê lại mất công buồn ngủ. Tuy vậy, điều đáng ghi nhận là hình ảnh phim rất tốt, phần này do Poppet Celdran Philippines đảm nhiệm.