Theo đó, từ 0h ngày 4/5, tạm dừng các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao, tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các sự kiện biểu diễn nghệ thuật. Hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, quán bar-pub, vũ trường, karaoke, massage, trò chơi điện tử, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng; hoạt động khu phố đi bộ, chợ đêm. Hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động thể thao trong nhà; hoạt động thể thao, võ thuật có tiếp xúc trực tiếp; hoạt động tắm biển.
Các khu phố đi bộ, chợ đêm sẽ tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 4/5. Ảnh: Thanh Trần. |
Các trường mầm non, nhóm trẻ cũng dừng họat động. Ngoài ra, dừng các tiệc ăn uống tập thể (đám hiếu, đám hỷ, liên hoan, tân gia…) tập trung quá 30 người.
Đối với các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phải thực hiện cam kết phòng, chống dịch theo quy định. Thành phố khuyến khích đặt hàng và bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi.
Riêng phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn được hoạt động nhưng vận chuyển không quá 1/2 số người cho phép. (Thanh Trần)
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tạm dừng mở cửa đón khách
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa tiếp tục có Công điện yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, ông Chu Ngọc Anh yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021 trên địa bàn, trong đơn vị quản lý; tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo những nội dung vượt thẩm quyền.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các Công điện: số 03 ngày 27/4/2021, số 04 ngày 29/4/2021 và số 05 ngày 02/5/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Chủ tịch Hà Nội quyết định, từ 17h00 ngày 03/5/2021, tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè đến khi có chỉ đạo mới của Ủy ban nhân dân thành phố.
Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 01m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà; trường hợp không đáp ứng đầy đủ về công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Vĩnh Phúc: Nhiều chỉ đạo “nóng” để chống dịch
Ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có cuộc họp với UBND thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) và huyện Bình Xuyên sau khi có thông tin một chuyên gia người Trung Quốc có quá trình hoạt động và làm việc tại địa phương có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Đối với thành phố Phúc Yên, lãnh đạo tỉnh yêu cầu dừng những công việc không cần thiết, tập trung cao độ vào việc phòng, chống dịch bằng các giải pháp: Hạn chế người dân ra ngoài, cấm tuyệt đối các hoạt động đông người, các hoạt động văn hóa, hội họp không cần thiết, các quán karaoke, vũ trường...
Đối với huyện Bình Xuyên, ông Lê Duy Thành yêu cầu rà soát lại các tiếp xúc, quan hệ của chuyên gia người Trung Quốc với những người tại Công ty Vina Top – nơi chuyên gia này đến làm việc để có biện pháp cách ly, phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-CTUBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị, các cơ quan đơn vị trong tỉnh tạm dừng các công việc chưa thật sự cần thiết; tập trung cao độ chỉ đạo áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tỉnh Vĩnh Phúc quyết định dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; tạm dừng hoạt động giao thông công cộng.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu dừng triệt để các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí tại các địa điểm công cộng, khu du lịch.
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết; hạn chế việc di chuyển của người dân ra tỉnh ngoài và trong tỉnh; cấm tụ tập đông người, tổ chức liên hoan, ăn uống, tiệc tùng; việc tổ chức lễ hỏi, cưới xin, ma chay thực hiện trong phạm vi gia đình nhưng phải đảm bảo quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Vĩnh Phúc quyết định cho học sinh khối Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh nghỉ học từ ngày 3/5/2021 đến hết ngày 8/5/2021. Sau thời gian trên, tùy vào tình hình thực tế của dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ xem xét và có chỉ đạo phù hợp. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh, trừ cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tạm dừng tất cả các chợ tạm, chợ cóc, chợ tự phát, bán hàng rong xung quanh các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, chùa chiền, quảng trường tập trung đông người.
Yêu cầu kê khai và khai báo y tế đối với 100% công nhân tại doanh nghiệp, công trường xây dựng; yêu cầu xét nghiệm 100% đối với người lao động có nguy cơ lây nhiễm, số công nhân đi khỏi địa phương trong đợt nghỉ lễ ngày 30/4 và 1/5/2021.
Tập trung nhân lực làm việc 24/24h để truy vết các trường hợp có liên quan đến quán Bar-Karaoke Sunny, thành phố Phúc Yên; nhà hàng Hải sản ngon, thành phố Vĩnh Yên; quán Massage Hoa Sen, thành phố Vĩnh Yên và các địa điểm liên quan để sớm phát hiện các trường hợp là đối tượng F1, F2, F3 trong cộng đồng. Lập chốt chặn, thực hiện giãn cách xã hội đối với toàn bộ khu vực Khu đô thị Đồng Sơn, thành phố Phúc Yên.
Tính đến chiều 2/5, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận có 5 ca nhiễm COVID-19 liên quan đến chuyên gia Trung Quốc. Các bệnh nhân đều là nhân viên quán Bar- Karaoke Sunny ở thành phố Phúc Yên và được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành rà soát, truy vết và thực hiện cách ly hơn 300 trường hợp tiếp xúc liên quan. (Trần Hoàng)
Huế dừng hoạt động quán bar, karaoke, vũ trường để phòng dịch COVID-19
Chiều 3/5, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế về triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19 và Công điện số 05 của Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế.
Theo đó, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân khi quay trở lại TT-Huế sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định.
Đối với những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời.
Sở Du lịch tỉnh TT-Huế phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã và TP Huế khẩn trương rà soát, báo cáo số lượng du khách từ các tỉnh, thành phố khác đến địa phương trong dịp nghỉ lễ, đồng thời, tăng cường kiểm tra thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các đối tượng không chấp hành nghiêm túc quy định phòng dịch của tỉnh, đặc biệt là hành vi không đeo khẩu trang, khai báo y tế không trung thực.
Ngoài ra, kể từ 12h trưa ngày 3/5, tỉnh TT-Huế tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, karaoke, vũ trường, massage, game online để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ngọc Văn)
Phó Chủ tịch TPHCM nhắc tiểu thương đeo khẩu trang chống COVID-19
Sáng 3/5, Đoàn công tác của UBND TPHCM do Phó Chủ tịch Dương Anh Đức làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại chợ đầu mối Bình Điền, Bến xe khách quận 8 và Khu cách ly tập trung ở quận 7.
Tại Chợ đầu mối Bình Điền, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các quầy hàng và trực tiếp nói chuyện, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho các thành viên Ban Quản lý chợ và các tiểu thương.
Đáng giá công tác phòng chống dịch của chợ được thực hiện tốt, được giám sát thường xuyên, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng lưu ý qua kiểm tra cho thấy, tuy phần lớn tiểu thương và người lao động đều có khẩu trang nhưng còn một số trường hợp do mệt mỏi trong quá trình làm việc đã không chấp hành tốt quy định về đeo khẩu trang.
Một số tiểu thương chưa chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang phòng chống dịch được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trực tiếp nhắc nhở |
Làm việc với Ban quản lý chợ và chính quyền địa phương, ông Dương Anh Đức cho biết đến thời điểm này, TPHCM đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, chợ Bình Điền phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh từ tình huống xấu nhất đến bình thường theo hướng dẫn của Sở Y tế bởi chợ đầu mối là nơi có tần suất giao lưu rất cao.
Ngoài ra, Ban Quản lý Chợ đầu mối Bình Điền cần phải có biện pháp kiểm soát người ra vào chợ, ứng dụng CNTT trong công tác khai báo; đầu tư trang thiết bị giám sát, tầm nhiệt để thực hiện kiểm tra.
Đặc biệt, do thói quen của người dân, tại chợ truyền thống một số người không thực hiện biện pháp đeo khẩu trang, thậm chí có đeo cũng như không. Vì vậy, lãnh đạo các quận, huyện cần chú ý nhắc nhở người dân chấp hành việc đeo khẩu trang và nếu cần thiết thực hiện việc xử phạt đối với những trường hợp cố tình không chấp hành.
“Mình thông cảm chia sẻ cho bà con lao động vất vả từ 2-3 giờ sáng nhưng cũng phải nhắc nhở để giữ sự an toàn cho chính họ, cho cộng đồng, cho TPHCM và cho cả nước" - ông Đức nói.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã đến nhiều địa điểm để kiểm tra công tác phòng chống dịch vào sáng 3/5 |
Tại Bến xe quận 8, trực tiếp kiểm tra việc chấp hành các biện pháp chống dịch của một số lái xe, tiếp viên tuyến xe bus số 25, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề nghị các tiếp viên nhắc nhở hành khách thực hiện nghiêm quy tắc phòng chống dịch như đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn, sát khuẩn…khi lên xe
Đoàn công tác cũng đến kiểm tra tại Khu cách ly tập trung ở quận 7. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã yêu cầu cơ sở khẩn trương kiện toàn hệ thống camera giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp vi phạm các quy định về cách ly.
Theo báo cáo của đại diện Khu cách ly, từ ngày 25/4 đến nay, khu này đã và đang thực hiện cách ly tập trung cho 2 trường hợp đi trên chuyến bay VJ3613. Hiện nay, sức khỏe của 2 người này đều ổn định và được đo thân nhiệt 2 lần/ngày. (Huy Thịnh)
TPHCM dừng hoạt động công viên nước Đầm Sen, sân khấu, rạp phim, trò chơi điện tử…
Trưa 3/5, phát biểu kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý TPHCM đang đối mặt với nguy cơ rất cao khi người dân từ nhiều địa phương trở về TPHCM sau kỳ nghỉ lễ.
"Các sở, ban ngành chức năng, chính quyền TP Thủ Đức và các quận huyện phải luôn cảnh giác, không được lơ là" - ông Phong lưu ý.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan, đơn vị tạm dừng hoạt động của các hội thảo, hội nghị chưa cấp bách để trành việc tụ tập đông người. Trường hợp tổ chức trong tuần này thì xem xét quy mô, số lượng người tham dự và phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế ban hành.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp trưa 3/5 |
Ngoài ra, người đứng đầu TPHCM cũng yêu cầu từ 18h ngày 3/5 TPHCM sẽ tạm dừng tiếp các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp chiếu phim, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử… Các nghi lễ tôn giáo, tùy quy mô để xác định số lượng người tham gia và buộc phải tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế và các bộ tiêu chí an toàn của TP.
Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của Công viên nước Đầm Sen 7 ngày để kiểm điểm trách nhiệm vì đã cho khách tập trung quá đông trong ngày nghỉ lễ 1/5 vừa qua.
Công viên nước Đầm Sen đông nghịt người |
Trước đó, tại cuộc họp khẩn phòng chống COVID-19 diễn ra sáng 30/4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tạm dừng karaoke, quán bar, vũ trường từ 18h ngày 30/4. Tùy theo tình hình, UBND TP sẽ quyết định việc cho các loại hình dịch vụ này hoạt động trở lại.
Theo UBND quận 11, lượng vé bán ra tại Công viên nước Đầm Sen ngày nghỉ lễ 4.000 vé/ngày. Các du khách đến khu vực khi tắm đều không đeo khẩu trang.
(Huy Thịnh)
Quảng Ngãi tạm dừng vũ trường, karaoke từ ngày 4/5
Ngày 3/5, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phát đi văn bản dừng các hoạt động không thiết yếu như Karaoke, vũ trường, massage… từ 00 giờ 00 phút ngày 4/5 để phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, sau khi dịch COVID-19 xảy ra trong cả nước và các ca dương tính đang tăng nhanh, UBND tỉnh Quảng Ngãi lên các phương án ứng phó với dịch bệnh.
Qua rà soát và thông tin giữa các địa phương, Quảng Ngãi phát hiện 2 ca F1 liên quan đến bệnh nhân người Hà Nam từ Nhật Bản về và chuyên gia người Trung Quốc.
Dù các trường hợp này đã được cách ly tập trung và các F2 đã được truy vết, khoanh vùng nhưng tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp trên cả nước nên yêu cầu dùng các hoạt động không thiết yếu cho đến khi có thông báo mới.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng thông báo người dân đi chơi trong dịp lễ 30/4 – 1/5 từ các tỉnh khác trở về phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc theo quy định.
Đối với các trường hợp đi về từ vùng có dịch phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành Y tế.
Đồng thời cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cấp ngành liên quan trực thuộc phải quản lý, giám sát các trường hợp hết thời hạn cách ly tập trung trở về địa phương; yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú theo đúng thời gian quy định. Nếu có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, tức ngực, khó thở... phải kịp thời báo ngay cho ngành Y tế để có biện pháp xử lý phù hợp.
Tăng cường nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng; đeo khẩu trang là bắt buộc đối với bất cứ người dân nào khi ra khỏi nhà.
Thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, không tập trung đông người, không nhập cảnh trái phép và không che giấu người nhập cảnh trái phép và tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 theo quy định. (Nguyễn Toàn)...
Sau khi đón ‘biển người’, chợ đêm Đà Lạt tạm ngưng hoạt động
Ngày 3/5, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản hỏa tốc gửi Mặt trận Tổ quốc, các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố về việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, từ 19 giờ hôm nay, Lâm Đồng tạm dừng một số dịch vụ không thật sự cần thiết như vũ trường, quán bar, karaoke, trò chơi điện tử; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người như lễ hội, chợ đêm, khu phố đi bộ cho đến khi có thông báo mới.
Quán bar ở Đà Lạt sẽ tạm đóng cửa từ 19h ngày 3/5 |
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, bao gồm trang bị phòng hộ cho nhân viên, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt cho khách, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và đảm bảo giãn cách theo quy định.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại các nơi công cộng, nhất là tại các khu điểm du lịch; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Công an tỉnh phối hợp với ngành y tế, Cảng hàng không Liên Khương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh; thực hiện khai báo y tế, ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nhập cảnh; tăng cường quản lý người nhập cảnh lưu trú, tạm trú tại địa phương.
Kiểm tra y tế để phòng dịch tại Cảng hàng không Liên Khương |
UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chỉ đạo các cơ sở lưu trú, khách sạn, các địa điểm du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh: khai báo kịp thời, đầy đủ số lượng khách đến, khách đi hàng ngày; yêu cầu du khách đeo khẩu trang, cung cấp nước rửa tay, sát khuẩn, thực hiện khai báo y tế theo quy định.
Được biết, chợ đêm Đà Lạt là địa điểm “hot” nhất ở Lâm Đồng, thu hút nhiều du khách và người dân đến mua sắm, ăn uống hàng đêm. Phố đi bộ Hòa Bình được tổ chức vào các đêm Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, cũng thu hút nhiều người đi dạo, mua sắm, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngoài trời.
Phố đi bộ Hòa Bình đông nghẹt người |
Vào những dịp lễ tết, chẳng hạn như kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, chợ đêm Đà Lạt, khu Hòa Bình, một số quán bar, vũ trường, karaoke nổi tiếng luôn đông nghẹt người đến vui chơi, giải trí, ăn uống... (Kim Anh).
Có bệnh nhân COVID-19 về ăn cưới, thành phố Bắc Giang dừng hàng quán vỉa hè
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, sáng ngày 3/5, tỉnh họp khẩn triển khai công tác phòng chống dịch COVID - 19.
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 27/4 đến nay, liên quan đến các ca bệnh nhiễm COVID -19 ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bắc Giang đã rà soát được 10 trường hợp F1 đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm (9 người có kết quả xét nghiệm âm tính, 1 người đang chờ kết quả); 94 trường hợp là F2 và 1.103 người tự theo dõi sức khỏe.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID – 19 tỉnh Bắc Giang, thông tin phản hồi từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bệnh nhân L.Q.A, ở số 94, phố Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng ( Hà Nội) là nhân viên quán bar Sunny, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nhiễm COVID -19 có lịch trình di chuyển đến thành Bắc Giang ngày 27/4.
Qua rà soát sơ bộ, bệnh nhân L.Q.A có đến dự một đám cưới tại ngõ 191, đường Lều Văn Minh (thành phố Bắc Giang). Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đang truy vết cụ thể lịch trình của bệnh nhân L. Q. A tại Bắc Giang.
Người dân Bắc Giang khai báo y tế |
Huyện Lục Ngạn có một gia đình đi taxi từ thành Phúc Yên về. Lái xe taxi là người chuyên đưa, đón bệnh nhân L.Q.A. Hiện gia đình này đã được đưa vào cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn, được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Trước diễn biến mới của dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu thành phố Bắc Giang dừng hoạt động hàng quán vỉa hè từ 16 giờ ngày 3/5. Thông báo rộng rãi tình hình diễn biến dịch bệnh tới người dân để nâng cao tinh thần cảnh giác, không gây hoang mang dư luận, hạn chế tụ tập đông người; trước mắt, dừng toàn bộ việc tổ chức đám cưới trên địa bàn thành phố cho đến khi có thông báo mới.
Thành phố Bắc Giang chuẩn bị sẵn sàng các điểm cách ly tập trung trên địa bàn, khẩn trương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm các nhân viên nhà hàng, quán ăn, quán karaoke, nhà nghỉ. Trường hợp đã cho nhân viên nghỉ về nơi cư trú, yêu cầu người quản lý lập danh sách, báo cáo cơ quan chức năng để thông tin về nơi cư trú phục vụ việc quản lý và xét nghiệm theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu huyện Lục Ngạn thực hiện xét nghiệm, cách ly và truy vết đối với gia đình sử dụng xe taxi đã chở trường hợp bị nghi nhiễm C0VID -19 từ tỉnh Vĩnh Phúc về tỉnh Bắc Giang.
(Nguyễn Thắng)
72 trường hợp F1 của chuyên gia Trung Quốc nhiễm COVID-19 đều âm tính lần 1
Ngày 3/5, ngành y tế Đà Nẵng đã tiến hành phun khử khuẩn các địa điểm mà hai chuyên gia Trung Quốc từng đi tới khi đến Đà Nẵng từ 27 - 29/4. Trong đó có hai khách sạn lớn và ba nhà hàng ven biển.
Hiện tại, Đà Nẵng đã truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm 72 trường hợp F1 của hai chuyên gia Trung Quốc. Kết quả 72 người âm tính với SARS-CoV-2. Tất cả các trường hợp này đang được cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế.
72 F1 của chuyên gia Trung Quốc có kết quả xét nghiệm âm tính. |
Trước đó, 5 người Trung Quốc khi đến Việt Nam được cách ly trong một khách sạn thuộc tỉnh Yên Bái từ 9/4 - 23/4. Trong thời gian này, khách sạn cũng tiếp nhận nhóm chuyên gia Ấn Độ đến cách ly.
Sau khi hoàn thành cách ly, ngày 27/4, hai trong số 5 người Trung Quốc này đến Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, ngoài khách sạn lưu trú, hai người Trung Quốc này có ăn uống tại một số nhà hàng. Đến ngày 29/4 hai người trên ra Hà Nội để về Trung Quốc.
Sáng ngày 1/5, hai chuyên gia Trung Quốc báo tin với những người đã từng cùng đi ăn uống với mình tại Đà Nẵng kết quả xét nghiệm của họ tại Trung Quốc là đã dương tính với SARS-CoV-2.
(Thanh Trần)
Tiếp tục cập nhật...