Vốn là chuyên gia cấp cao về tài chính, người đứng đầu Quốc hội lo ngại: “72% ngân sách dành cho chi thường xuyên, còn lại chưa đến 30% phải vừa dành cho đầu tư phát triển, vừa trả nợ vừa làm những việc khác. Đấy là một cái ngân sách có cơ cấu rất xấu. Từ đó phải vay, phải tăng bội chi, phải phát hành trái phiếu, rồi phải đảo nợ…
Sang năm nợ công đã ở mức hơn 64% rồi, không được trên 65%. Thế đến năm 2015 xơi hết rồi thì đến năm 2016, 2020 lấy gì mà bội chi, lấy gì mà phát triển nữa?”. Nhãn tiền đã thấy, có lẽ năm tới sẽ không thể tăng lương theo lộ trình, cũng như năm nay đã hoãn tăng lương. Vì chưa bố trí được nguồn.
Tiêu xấu vào những đâu? Vào việc nuôi bộ máy công quyền khổng lồ và ngày càng phình ra thêm. Vào những dự án đại loại như “tin học hóa”, “chính quyền điện tử” tốn phí mỗi dự án cả trăm triệu đô la, để rồi thi nhau đắp chiếu.
Và hơn cả, là những tòa trụ sở nghênh ngang từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng ở nhiều địa phương – những dự án nhằm tiêu tiền là chính, chứ không hề mang ý nghĩa “đầu tư phát triển”. Vậy nhưng bất chấp quán triệt mới đây của Chính phủ, hiện vẫn đang có hàng loạt địa phương xin xây trụ sở mới, từ tỉnh tới huyện với số lượng…299 dự án, toàn hạng “khủng”! Tiêu xấu vào hàng loạt dự án ngàn tỷ dở dang lăn lóc, đội vốn kinh hoàng. Thế nhưng những dự án ngàn tỷ khác vẫn cứ đua nhau chào đời, bất cần biết lấy tiền đâu để làm !
Người Việt còn đang rất “mù mờ” về những đồng thuế của mình được sử dụng ra sao. Kết quả khảo sát công khai ngân sách (OBS Tracker - thực hiện 2 năm một lần) do Tổ chức Hợp tác Ngân sách quốc tế (IBP) phối hợp với Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) đưa ra mới đây: Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn tới 43 điểm so với chỉ số trung bình; và đứng ở tốp 30 quốc gia có chỉ số công khai ngân sách thấp nhất trong 100 quốc gia được khảo sát. Lỗ hổng quản lý, giám sát chi tiêu công cũng từ đây.
Chi tiêu công thì ào ạt, còn thu nhập cá nhân của người Việt đang sắp bị Lào và Campuchia vượt qua nếu như kinh tế Việt Nam không kịp thời thay đổi. Nhận định trên là của các chuyên gia tại hội thảo về kinh tế Việt Nam vừa diễn ra do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) tổ chức. Tại hội thảo, chuyên gia nhận định: Trong các dự án đầu tư công, lãng phí và tham nhũng chiếm tới 30-40% tổng vốn đầu tư một dự án.
Thảo nào dù tìm mọi cách ngăn chặn, nạn “tiêu xấu” vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.