Trưa ngày 21/3, rảo qua nhiều chợ truyền thống tại TPHCM như Bình Tây, An Đông, Bến Thành, Nguyễn Văn Trỗi, Tân Định, Phạm Văn Hai... không khí buồn hiu, vắng vẻ ở hầu hết các chợ.
Tại Chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), nhiều quầy sạp đóng cửa, treo bảng nghỉ bán, sang quầy. Một số nơi còn mở cửa thì chỉ có người bán mà không có khách mua.
Chị Thành (tiểu thương chợ) buồn bã: "Nghỉ ở nhà thì sợ khách đến không thấy bán sẽ mất mối, mà mở cửa thì cả ngày chỉ 1-2 khách, có khi không có người nào. Thời gian trước, cuối tuần là tấp nập lắm, còn giờ thì chợ vắng như chùa bà đanh".
Hơn 11h trưa, chờ mãi không có khách, nhiều chủ quầy đóng cửa sớm.
Quầy ẩm thực trong chợ Bình Tây lặng lẽ. Bà Thu Hương (kinh doanh hàng ăn uống) nói: "Sợ lây dịch nên nhiều người không ra chợ, hạn chế nơi đông người. Chợ này hay có những đoàn khách nước ngoài do các công ty du lịch đưa tới để mua sắm, ăn uống rất đông. Đặc biệt ngày cuối tuần. Từ ngày có dịch Covid-19, người nước ngoài vào Việt Nam bị hạn chế, cách ly nên chợ chẳng còn khách nữa".
Hơn 20 năm buôn bán ở chợ Tân Định, chị Lâm Thị Minh Trang (tiểu thương ngành hàng quần áo) tâm sự: "Chưa bao giờ thấy cảnh vắng vẻ, một ngày không thấy một khách đến chợ mua sắm như bây giờ. Ngày nào tôi đến chợ cũng mở quầy rồi đóng quầy, buồn thê lương".
Những quầy hàng lặng lẽ, không một bóng người trong chợ.
Chợ Tân Định, tiểu thương buồn hiu hắt, ngồi buồn vì vắng khách. Hơn 11h trưa mà nhiều tiểu thương hàng trái cây vẫn chưa bán được món nào.
Quầy sạp đóng kín
Chợ Tân Định, tiểu thương chỉ còn biết ngồi tám chuyện với nhau cho hết ngày.
Nhiều tiểu thương chợ An Đông, Bến Thành, Tân Định, Nguyễn Thái Bình đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị Ban quản lý chợ, Chi cục Thuế xin giảm thuế vì kinh doanh quá ế ẩm do dịch.
Khu vực vui chơi dành cho trẻ em vắng lặng