Tiết lộ lý do lãnh đạo tập đoàn Hoa Vỹ bị bắt

TPO - Lãnh đạo tập đoàn viễn thông Huawei Technologies Co Ltd ((Hoa Vỹ) khổng lồ của Trung Quốc bị bắt là một phần cuộc điều tra về một kế hoạch sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để né các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Reuters trich một số nguồn tin cho hay.
Tiết lộ lý do lãnh đạo tập đoàn Hoa Vỹ bị bắt ảnh 1

Tập đoàn Hoa Vĩ (Huawei) là nhà sản xuất viễn thông lớn nhất thế giới (SCMP)

Mỹ đã điều tra ít nhất là từ năm 2016 về khả năng Hoa Vỹ vi phạm các lệnh cấm của Mỹ đối với Iran. Gần đây, cuộc điều tra đã đi đến kết luận rằng Hoa Vỹ đã sử dụng ngân hàng HSBC để thực hiện các giao dịch liên quan đến Iran, theo nguồn tin.

Giám đốc tài chính và là một trong bốn phó chủ tịch Hoa Vỹ, bà Mạnh Vãn Châu, con gài nhà sáng lập công ty Nhậm Chính Phi, bị bắt ở Canada và đang đối diện với khả năng bị dẫn độ về Mỹ.  Vụ bắt giữ có khả năng xóa bỏ những cam kết “đình chiêns” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, mới đạt được trong cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước vào hôm 1/12, đúng ngày bà Mạnh bị giới chức Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ.

Năm 2012, HSBC đã phải chi 1,92 tỷ USD để được hoãn truy tố do vi phạm các lệnh cấm và luật rửa tiền của Mỹ. Tuy nhiên theo nguồn tin, HSBC không bị điều tra lần này.

Trước vụ bắt giữ, Hoa Vỹ đã nằm trong vòng điều tra của Mỹ và nhiều nước phương Tây về mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Các vụ điều tra này bắt nguồn từ những quan ngại rằng công ty có thể được Bắc Kinh sử dụng vào hoạt động do thám.

Công ty này đã bị cấm mua bán thiết bị viễn thông của Mỹ và một số nước.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm thứ Năm nói chính phủ nước này không liên quan đến vụ bắt bà Mạnh, được thực hiện khi bà này đổi máy bay ở sân bay Vancouver.

Ông Trudeau nói Canada được thông báo trước vài ngày về một vụ bắt giữ đã được lên kế hoạch, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết cho các phóng viên.

Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Donald Trump là John Bolton nói với đài NPR (Mỹ) rằng ông biết trước về vụ bắt giữ, nhưng một quan chức Nhà Trắng nói ông Trump không biết về yêu cầu dẫn độ trước bữa ăn tối ông dùng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina ngày 1/12.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc đã yêu cầu Canada và Mỹ giải thích, “nhưng họ không cung cấp thông tin”.  Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada nói họ cực lực phản đối vụ bắt giữ, yêu cầu thả người ngay lập tức.

Vụ bắt giữ bà Mạnh nhanh chóng gây ra phản ứng ở Washington. Thượng nghị sỹ Mỹ Ben Sasse khen ngợi chính quyền và nói “đôi khi sự gây hấn của Trung Quốc được bộc lộ công khai qua các công ty được nhà nước tài trợ, đôi khi ẩn trong các công ty “được gọi là” tư nhân.

Cuộc điều tra đối với Hoa Vỹ cũng tương tự những gì diễn ra với một tập đoàn viễn thông Trung Quốc khác là ZTE Corp, vốn trong năm 2017 thừa nhận đã vi phạm luật Mỹ cấm bán công nghệ xuất xứ Mỹ cho Iran.

Đầu năm nay,  Mỹ cấm các công ty Mỹ bán linh kiện và phần mềm cho ZTE, sau đó công ty này đã nộp 1 tỷ USD tiền phạt, đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm.

Một số nhà quan sát nhận định rằng Mỹ có thể sử dụng vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu để gây sức ép lên Trung Quốc trong lúc đôi bên đang “đình chiến” thương mại, theo SCMP.

Mỹ có thể đã tính toán trong vụ việc này với mục tiêu giành lợi thế trong các cuộc đàm phán tiếp tới và các nhà phân tích nói có thể sẽ có thêm những vụ việc tương tự.

Lưu Vỹ Đồng, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung thuộc Học viện Khoa học Xã hội (Trung Quốc) nói vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu là một bước đi toan tính của Mỹ nhằm giúp Mỹ có “tư thế” thuận lợi hơn trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

“Chúng ta có thể sẽ thấy những vụ việc tương tự xảy đến trong ba tháng tới, ví dụ như trừng phạt các công ty nhà nước Trung Quốc, các cá nhân, nhằm tạo thuận lợi cho phía Mỹ”, ông Lưu nói.

Trong vụ Mạnh Vãn Châu, thời điểm và chi tiết việc bắt giữ cho thấy rõ ràng chúng mang yếu tố chính trị, theo phân tích của Tôn Vân, giám đốc Chương trình Trung Quốc thuộc viện nghiên cứu Stimson (Mỹ).

Nhưng  Drew Thompson, cựu giám đốc chi nhánh Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan trong Bộ Quốc phòng Mỹ, nói việc bắt giữ bà Mạnh không nhất thiết phải gắn với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ -Trung đang diễn ra.

Đồng quan điểm này, một nhà điều hành thuộc công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ nói sự vụ có thể không phải là một phần trong chiến thuật của ông Trump.

“Tuy nhiên, tôi khi va chạm và đối đầu vẫn là chủ đề chính trong quan hệ của hai nước về lâu dài”, nhân vật giấu tên này nói.

Eric Harwit, giáo sư nghiên cứu về châu Á của đại học Hawaii có nhiều bài viết về các công ty viễn thông Trung Quốc, nói vụ bắt giữ không chỉ là về lệnh trừng phạt mà liên quan đến bức tranh lớn hơn khi Mỹ lo lắng rằng các công ty công nghệ cao Trung Quốc đang dần trở thành các đối thủ lớn của công ty Mỹ trong tương lai.

Theo Reuters, NPR, SCMP
MỚI - NÓNG