Tiếp vụ xây cầu phục vụ Chủ tịch xã: Nơi cần không có, nơi có không cần

Chị Phạm Thị Liên vất vả đỡ chiếc xe đạp lên đò để qua thôn Liên Hòa.
Chị Phạm Thị Liên vất vả đỡ chiếc xe đạp lên đò để qua thôn Liên Hòa.
TP - Sau khi loạt bài “Xây cầu treo dân sinh để phục vụ Chủ tịch xã”, đăng tải, nhiều người dân ở các huyện miền núi Hà Tĩnh gọi điện cho phóng viên Tiền Phong đề nghị về chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân hằng ngày phải chới với trên những chuyến đò để qua sông, nguy hiểm luôn rình rập.

Hiểm nguy rình rập

Chiều 12/8 phóng viên Tiền Phong tìm về thôn Liên Hòa, xã Đức Liên, Vũ Quang, cách chiếc cầu treo Khe Tây, xã Sơn Thọ hơn chục cây số, nơi bị con sông Ngàn Sâu chia cắt cũng là nơi hàng trăm hộ dân nơi đây ngày đêm phải oằn mình trên những chuyến đò để qua sông hơn 100 mét. Con đường liên xã từ khu vực chợ Bộng về Đức Liên được bê tông chắc chắn kéo thẳng ra con sông Ngàn Sâu. Vừa tới bến đò, từ bên kia sông, tiếng gọi đò của các em học sinh vang cả khu rừng.

“Đấy các chú xem, hơn 150 hộ dân ngày ngày vẫn trằn mình trên con đò cũ nát này. Biết đến bao giờ người dân thôn Liên Hòa mới thoát khỏi cảnh chới với trên sông nước đây”, bác Nguyễn Văn Ý, người lái đò buồn bã nắm tay phóng viên đỡ lên đò.

Biết chúng tôi về tìm hiểu cuộc sống của người dân thôn Liên Hòa, người lái đò chất phác bộc bạch: “Đã bao nhiêu đoàn cán bộ về nghiên cứu, tìm hiểu để xây cầu nhưng rồi bặt vô âm tín. Phải chi những người đó chứng kiến được ánh mắt buồn bã của các cháu học sinh phải xách cặp trở về mỗi khi trời mưa to, gió lớn”.

Theo bác Nguyễn Văn Ý, hơn 100 cháu học sinh của thôn Liên Hòa phải có lịch sinh hoạt khác với mọi người trong gia đình. Từ ba giờ sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì các cháu phải dậy để qua đò tới lớp. Để đảm bảo an toàn cho các cháu, mỗi chuyến, người lái đò già nua này chỉ cho hơn mười cháu cùng xe đạp lên đò. “Vào sáng sớm, khu vực này thường gặp gió thổi rát, nhiều khi đò ra giữa sông bị gió thổi dạt cách bến hàng trăm mét. Thế là chuyến sau bị trễ cả giờ đồng hồ, tội nghiệp mấy đứa trẻ cứ nóng ruột sợ giáo viên nhắc nhở”, bác Nguyễn Văn Ý tâm sự.

Khoảng cách từ thôn Liên Hòa tới trung tâm xã Đức Liên chỉ hơn một cây số. Ấy vậy mà, hơn 2 giờ mới bắt đầu tập trung ở trường, nhưng hơn 12 giờ trưa, cháu Võ Bá Quốc Đạt, học sinh lớp 6, trường THCS Đức Liên phải xuống đò. “Nhiều hôm trời mưa gió, trên đò đông học sinh nên tròng trành. Cháu bị rơi xuống sông nhiều lần rồi. Biết bơi, nên cháu không sợ chết đuối. Sợ nhất là bị mất xe đạp và ướt sách vở thôi”, cháu Võ Bá Quốc Đạt kể.

Tiếp vụ xây cầu phục vụ Chủ tịch xã: Nơi cần không có, nơi có không cần ảnh 1

Hơn 100 mét sông, hàng chục cuộc khảo sát, tìm hiểu nhưng kết quả vẫn là sự hy vọng và chờ đợi  của người dân thôn Liên Hòa.

“Nhiều hôm đang giảng bài, thấy nhiều học sinh gấp sách vở bỏ vào cặp, đứng dậy xin thầy rồi ôm cặp chạy ra khỏi lớp nói vọng lại xin cho về trước kẻo trời sắp mưa, nước sông dâng cao”, thầy giáo Lê Quốc Châu, giáo viên trường THPT Cù Huy Cận (Vũ Quang) cho biết. Theo thầy Châu, trong nhiều cuộc họp nhà trường quán triệt và căn dặn giáo viên phải nhẹ nhàng động viên các em học sinh ở thôn Liên Hòa nếu đi học muộn, phải tổ chức dạy bù nếu các em vắng học.

“Việc vắng học, đi học muộn của các em là chuyện thường ngày. Nhắc nhở các em trong trường hợp này sẽ rất nguy hiểm. Biết đâu vì vội vàng các em tranh nhau lên đò cho kịp giờ sẽ xảy ra chuyện xấu”, thầy Lê Quốc Châu nói.

Rất nhiều đoàn khảo sát về nhưng sự việc vẫn không có gì thay đổi. “Vừa rồi thấy một đoàn cán bộ về khảo sát để làm cầu treo dân sinh, người dân hồ hởi lắm. Ấy thế nhưng nghe đâu không được làm cầu treo vì yếu tố kỹ thuật gì đó”, trưởng thôn Liên Hòa, bác Nguyễn Minh Đức nói. Chủ tịch UBND xã Đức Liên, Lê Văn Hùng cho biết, rất nhiều cuộc khảo sát nhưng đến nay chiếc cầu hơn một trăm mét vẫn là niềm mong mỏi của người dân Liên Hòa. “Cách đây mấy chục năm tại bến đò này xảy ra một vụ lật đò chết 40 người. Năm 2011, ba cán bộ công an cũng chết đuối tại đây”, Chủ tịch UBND xã
Đức Liên nói.

Tiếp vụ xây cầu phục vụ Chủ tịch xã: Nơi cần không có, nơi có không cần ảnh 2

Chỉ cách trường hơn 1km, nhưng cháu Võ Bá Quốc Đạt phải đi trước 2 giờ đồng hồ mới kịp đến trường.

Nỗi đau người ở lại

“Trời ơi, sao ông nỡ bắt đứa con gái tội nghiệp của vợ chồng tôi ra đi trong đau đớn như vậy. Mẹ đau như xát muối mỗi khi đi qua cầu con ơi”, chị Trần Thị Kiều, khóc nấc trước bàn thờ của con gái. Sáng ngày 28/7, con gái chị Kiều là Trần Thị D. đạp xe đi mua thức ăn cho gia đình, khi đi qua chiếc cầu Vàng Anh, thôn 4, xã Sơn Trường, Hương Sơn, bị rơi xuống cầu chết đuối. “Bao nhiêu cuộc họp hội đồng của xã, người dân thôn 4 kiến nghị nhưng chiếc cầu mãi không được làm. Không ngờ sự việc đau lòng lại xảy đến với gia đình tôi”, anh Nguyễn Công Anh, bố cháu D. bức xúc.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, sau khi sự việc xảy ra, người dân nơi đây đã làm hai tấm biển cắm hai đầu cảnh báo các phương tiện không được chở nặng khi qua cầu. Chiếc cầu Vàng Anh bắc qua con sông Vàng Anh chừng hơn chục mét được nối với nhau bằng những mảng bê tông cũ nát. Nhiều nơi bị vỡ được người dân dùng ván đóng lại, các cột hai bên lan can cầu bị mục gãy. Nếu đi xe máy phải đi nhẹ và cho hai chân rà xuống cầu, nếu không rất dễ bị ngã xuống sông. “Mấy năm trước thấy các đoàn về khảo sát, đền bù tiền cho người dân để làm đường và cầu. Vậy nhưng đến nay người dân vẫn phải đi qua chiếc cầu nguy hiểm này”, một người dân xóm 4, xã Sơn Trường bức xúc.

Tiếp vụ xây cầu phục vụ Chủ tịch xã: Nơi cần không có, nơi có không cần ảnh 3

Nỗi đau của anh Nguyễn Công Anh khi chiếc cầu “quy hoạch” đã cướp đi người con gái tội nghiệp.

Theo anh Anh, cháu D. năm nay học lớp 11. Hôm xảy ra sự việc, trời mưa cháu đi xe đạp qua cầu nhưng bị các tấm gỗ tạm trên cầu gập ghềnh nên người rơi xuống sông cùng chiếc áo mưa trên người, còn xe đạp nằm chỏng chơ trên cầu. “Giá như lúc đó có người phát hiện sớm thì con gái tôi không phải chết đau đớn như vậy”, bố cháu D. bật khóc. Nhiều người dân xóm 4 cho biết, xã cứ mãi hứa đã có dự án làm đường và cầu nhưng mãi vẫn không làm. “Chiếc cầu hơn chục mét vài trăm triệu đồng. Nếu không có dự án, xã kêu gọi người dân nơi đây đồng thuận góp tiền để làm cầu. Nếu cứ để tình trạng này, sẽ nhiều người bỏ mạng tại đây”, một người dân bức xúc. 

Đề án hay nhưng chưa thực tế:

Trao đổi với phóng viên Tiền phong về việc xây dựng cầu treo dân sinh trong Đề án 186 cầu treo dân sinh của Bộ GTVT, nhiều lãnh đạo các huyện khu vực miền núi Hà Tĩnh tỏ ra bức xúc. “Đề án quá cứng nhắc, không nhẽ cứ phải là cầu treo, trong khi địa hình bằng phẳng chỉ cần làm chiếc cầu bê tông hoặc đập tràn là người dân an toàn đi qua”, một lãnh đạo huyện nói. Cũng theo vị lãnh đạo này, việc làm cầu treo dân sinh, Bộ GTVT không nên ôm đồm hết mọi việc. “Phải giao cho chính quyền sở tại. Có cam kết hẳn hỏi. Nếu làm xong không đạt như tiêu chí, cứ đè lãnh đạo địa phương ra xử lý. Đấy, vụ việc ở xã Sơn Thọ, chính quyền và Sở GTVT tỉnh cho rằng mình không có thẩm quyền quyết định. Trong khi lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết chỉ vào thực tế nhưng là đi thẩm định đặt mố cầu. Vậy giờ ai chịu trách nhiệm chính đây?”, vị lãnh đạo này nói.

Liên quan đến ý kiến cho rằng, việc xác định vị trí cầu treo bị khống chế theo chiều rộng lòng sông, suối cố định (được quy định trong dự án cầu treo dân sinh), ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Quản lý xây dựng (Tổng cục Đường bộ) xác nhận: Dự án có đưa ra tiêu chí thiết kế khoảng cách giữa hai trụ tối đa 120 m để đảm bảo quy mô phù hợp với tính chất và nguồn vốn của dự án.

Tuy nhiên, theo ông này, thực tế triển khai có sự điều chỉnh. “Sau khi khảo sát và trao đổi với địa phương, xét thấy việc xây cầu cấp bách, cần thiết, nếu cầu có khẩu độ lớn hơn, Tổng cục Đường bộ vẫn cân đối vốn để triển khai. Có cầu đã làm rộng lên 180 m, thậm chí hơn 200 m. Nếu cầu thực sự cần thiết, giúp dân thoát khỏi cô lập trong mùa lũ, khoảng cách giữa hai cầu vượt qua 120 m cũng không bị loại bỏ”- ông Sỹ nói.         

 Bảo An

MỚI - NÓNG