Trong một tuyên bố chung, Mỹ và 13 nước khác, bao gồm Anh, Úc và Hàn Quốc, bày tỏ lo ngại về khả năng tiếp cận hạn chế các “dữ liệu và mẫu nguyên gốc” của đoàn nghiên cứu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phái sang Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) đưa ra tuyên bố riêng nhưng bày tỏ cùng quan ngại. Những lời chỉ trích được đưa ra sau khi Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng các nhà điều tra đã phải đối mặt với các vấn đề trong nhiệm vụ kéo dài 4 tuần ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nơi virus corona được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2019.
Trong một cuộc họp báo hôm 30/3, ông Tedros tỏ ra mâu thuẫn với những phát hiện chính của nhóm điều khi nói rằng việc xem xét khả năng virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nên được tiếp tục, mặc dù báo cáo của nhóm điều tra lưu ý khả năng như vậy là “cực kỳ khó xảy ra”, theo CNN.
Dominic Dwyer, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm người Úc, thành viên nhóm chuyên gia WHO, nói với Reuters rằng, nhóm đã yêu cầu dữ liệu thô về 174 trường hợp ban đầu nhiễm bệnh ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019 nhưng bị từ chối và thay vào đó chỉ được cung cấp một bản tóm tắt.
Cuộc điều tra của WHO, tiến hành hơn một năm sau đợt bùng phát ban đầu, đã được giám sát chặt chẽ ngay từ đầu. Một số nhà khoa học và chính phủ Mỹ đã đặt câu hỏi về tính độc lập và độ tin cậy của nghiên cứu, làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Washington và một số chính phủ khác “chính trị hóa” vấn đề nguồn gốc của virus.
Sau nhiều lần trì hoãn, báo cáo của WHO, do một nhóm chuyên gia quốc tế và các đối tác Trung Quốc của họ biên soạn, cuối cùng đã được công bố hôm 30/3. Báo cáo xem xét chi tiết về dữ liệu do các nhà khoa học và chính quyền Trung Quốc thu thập từ những ngày đầu đại dịch, nhưng cung cấp ít thông tin chi tiết mới hoặc phát hiện cụ thể về vị trí và cách thức lây lan virus sang người.
Trung Quốc đã kịch liệt bác bỏ mọi lời chỉ trích hoặc cáo buộc liên quan đến việc họ xử lý đại dịch.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố hôm 30/3 rằng, Trung Quốc luôn là “nước ủng hộ các nghiên cứu khoa học toàn cầu về nguồn gốc virus và các con đường lây truyền của nó”.
Khó truy cập dữ liệu
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 30/3, Giám đốc WHO Tedros thừa nhận rằng các chuyên gia quốc tế đang gặp vấn đề với việc truy cập dữ liệu ở Vũ Hán.
“Trong các cuộc thảo luận của tôi với nhóm, họ đã bày tỏ những khó khăn mà họ gặp phải khi truy cập dữ liệu thô. Tôi hy vọng các nghiên cứu hợp tác trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ dữ liệu kịp thời và toàn diện hơn”, ông Tedros, người từng phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng, WHO quá thân thiết với Trung Quốc, phát biểu.
Trái ngược với các tuyên bố nói trên, một quan chức y tế cấp cao của Trung Quốc hôm 31/3 nói không có cơ sở thực tế để cáo buộc Trung Quốc không chia sẻ dữ liệu với các nhà nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định để xem xét nguồn gốc của COVID-19.
Lương Vạn Niên, người đứng đầu đoàn chuyên gia về COVID-19 do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thành lập, đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu chung với các chuyên gia WHO, nói với các phóng viên rằng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế có quyền truy cập vào cùng một dữ liệu trong suốt cuộc điều tra và những tuyên bố về việc thiếu quyền truy cập là không chính xác.
“Tất nhiên, theo luật pháp Trung Quốc, một số dữ liệu không thể bị lấy đi hoặc chụp ảnh, nhưng khi chúng tôi cùng nhau phân tích ở Vũ Hán, mọi người đều có thể thấy cơ sở dữ liệu, tài liệu - tất cả đều được thực hiện cùng nhau,” ông nói, theo tường thuật của Reuters.
Ông Lương cũng bác bỏ những lời phàn nàn rằng việc xuất bản báo cáo thường xuyên bị trì hoãn, lưu ý rằng “mọi câu, mọi kết luận, mọi dữ liệu” cần phải được cả hai bên xác minh trước khi công bố.