Theo RT, nghiên cứu mới tập trung phân tích đột biến D614G trên protein của virus SARS-CoV-2, hiện diện trong tất cả các biến thể virus mới nhất từ Anh, Nam Phi và Brazil.
Nghiên cứu do Đại học New York (NYU), Trung tâm gen New York và Mount Sinai dẫn đầu.
Các nhà nghiên cứu Mount Sinai đã tiêm một virus có đột biến D614G vào các tế bào phổi, gan và ruột kết của con người, rồi so sánh nó với các tế bào từ chủng virus ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra sự gia tăng tới 8 lần khả năng lây truyền của chủng mới, vì protein đột biến đột biến làm cho virus có khả năng phục hồi tốt hơn khi bị phân tách bởi các protein khác trong hệ thống miễn dịch của con người,
“Kết quả từ thí nghiệm khá rõ ràng. Biến thể D614G lây nhiễm vào tế bào con người mạnh hơn nhiều so với loại trong hoang dã”, Zharko Daniloski, một đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Neville Sanjana, trợ lý giáo sư sinh học tại NYU nhận định: “Việc xác nhận rằng đột biến dẫn đến khả năng lây truyền mạnh mẽ hơn có thể giúp giải thích một phần lý do tại sao virus lại có thể lây lan nhanh chóng như vậy trong năm qua.”
Theo nhóm nghiên cứu, rất may là đột biến trong protein không dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, hoặc gia tăng tỉ lệ nhập viện.
Tuy nhiên, nghiên cứu này đặt ra một vấn đề khác về vắc-xin, vì vắc-xin hiện tại được phát triển dựa trên cấu trúc protein của chủng virus ban đầu ở Vũ Hán.