'Bộ Tứ' họp bàn chiến lược đối phó Trung Quốc

Các tàu Ấn Độ tham gia đợt tập trận hải quân chung của Bộ Tứ vào tháng 11/2020. Ảnh: India Today
Các tàu Ấn Độ tham gia đợt tập trận hải quân chung của Bộ Tứ vào tháng 11/2020. Ảnh: India Today
TP - Mỹ hôm qua thông báo về cuộc họp trực tuyến cấp ngoại trưởng với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden muốn kết nối lại khuôn khổ “Bộ Tứ” để củng cố liên minh đối phó với Trung Quốc, bất chấp cảnh báo từ Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói Ngoại trưởng Antony Blinken có cuộc họp trực tuyến với 3 ngoại trưởng của Bộ Tứ trong ngày 18/2, theo AP.

“Cuộc thảo luận lần này với các ngoại trưởng “Bộ Tứ” sẽ rất quan trọng để thúc đẩy những mục tiêu chung trong duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do và vượt qua những thách thức của thời đại chúng ta, bao gồm điều phối những nỗ lực và phản ứng với COVID-19, cũng như biến đổi khí hậu”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thông báo.

Ra đời từ năm 2007, Bộ Tứ là ý tưởng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi đó nhằm tìm kiếm những đối tác để cân bằng với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Dù ban đầu Úc và Ấn Độ thận trọng tránh chọc giận Trung Quốc, nhưng khuôn này được mở rộng trong những năm gần đây khi quan hệ của cả hai nước với Bắc Kinh xuống dốc.

Tháng 11 năm ngoái, bốn quốc gia Bộ Tứ tổ chức đợt tập trận hàng hải quy mô lớn trên vịnh Bengal và biển Ả-rập, và Úc khi đó tham gia lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đầu tháng này cảnh báo ông Biden rằng việc đổi mới Bộ Tứ sẽ là “sai lầm chiến lược nghiêm trọng”, nói rằng ông có thể châm ngòi cho “một cuộc đối đầu chiến lược nghiêm trọng” với Bắc Kinh khi cố gắng kiềm chế nước này.

Bài viết dưới dạng bình luận của chuyên gia đặc biệt gây áp lực với Ấn Độ, gợi ý rằng nước này có thể chấm dứt khuôn khổ Bộ Tứ và khuyên New Delhi chớ nên “buộc mình hoàn toàn vào cỗ xe ngựa chống Trung Quốc của Mỹ”.

Ấn Độ có truyền thống thực hiện chính sách đối ngoại không liên minh, nhưng căng thẳng với Trung Quốc gia tăng từ năm ngoái khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng.

Nói về Bộ Tứ, Ấn Độ thường chỉ nhấn mạnh vấn đề “phối hợp với các quốc gia cùng chung chí hướng”.

Áp lực lớn

Chính quyền Biden đang bị sức ép phải duy trì chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump với Trung Quốc, ngay cả khi đang cố gắng phát triển một chiến lược toàn diện và hiệu quả hơn.

Các quan chức của chính quyền mới đang cố gắng thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ngay trong những tuần làm việc đầu tiên, gọi Bắc Kinh là thách thức kinh tế và an ninh lớn mà Mỹ cần cách tiếp cận có tính toán và chiến lược hơn.

Họ đang cố gắng gửi đi một thông điệp: Dù chính quyền mới có nhiều gương mặt quen thuộc từ thời Obama, nhưng chính sách Trung Quốc sẽ không quay lại thời cách đây cả chục năm.

Các đối thủ chính trị, nhất là các nghị sĩ Cộng hòa, đã bắt đầu “soi” những bước đi của chính quyền Biden, sẵn sàng ngăn cản bất kỳ nỗ lực nào nhằm đảo ngược các biện pháp trừng phạt Trung Quốc được áp dụng từ thời chính quyền Trump, bao gồm biện pháp tăng thuế và cấm xuất khẩu công nghệ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz chưa chấp nhận đề cử của ông Biden cho vị trí bộ trưởng thương mại vì bà Gina Raimondo từ chối cam kết tiếp tục giữ hãng viễn thông Trung Quốc Huawei trong danh sách đen về an ninh quốc gia. Một số nghị sĩ Cộng hòa cũng chỉ trích bà Linda Thomas Greenfield, người được ông Biden chọn làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, vì bà đã có bài phát biểu tại Viện Khổng Tử, tổ chức mà một số người mô tả là cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc và vẽ ra bức tranh màu hồng về các hoạt động của Trung Quốc ở châu Phi.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa cũng chỉ trích việc chính quyền Biden bỏ quy định mà chính quyền Trump đề xuất để yêu cầu các trường đại học công bố quan hệ tài chính với Viện Khổng Tử, một hệ thống được lập nên để dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong các trường học Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều sắc lệnh mà ông Trump ký với Trung Quốc bị đánh giá là chưa hoàn thiện hoặc còn nhiều lỗ hổng. Và những chính sách đó có thể càng làm giảm năng lực cạnh tranh của Mỹ trong một số lĩnh vực, theo báo cáo công bố ngày 16/2 của hãng tư vấn Rhodium Group và Phòng thương mại Mỹ ở Trung Quốc.

MỚI - NÓNG