Dù ông Tập kêu gọi hợp tác “cùng thắng”, ông Biden gọi Trung Quốc là “đối thủ nặng ký nhất” của Mỹ và tuyên bố sẽ cạnh tranh với Bắc Kinh.
Ngày 11/2, ông Biden nói trước một nhóm thượng nghị sĩ của cả hai đảng Mỹ tại một cuộc họp rằng cần nâng cấp hạ tầng của Mỹ để có thể cạnh tranh với Trung Quốc.
Ông Biden cho biết ông đã nói chuyện với ông Tập suốt 2 giờ đồng hồ trong tối 10/2 và cảnh báo các thượng nghị sĩ: “Nếu chúng ta không tiến lên, họ sẽ ăn mất bữa trưa của chúng ta”.
“Họ đang đầu tư hàng tỷ đô la vào hàng loạt lĩnh vực liên quan đến vận tải, môi trường và rất nhiều thứ khác. Chúng ta cần phải tăng tốc”, Tổng thống Mỹ nói.
Nhà Trắng và ông Biden nhấn mạnh với ông Tập rằng ưu tiên của Mỹ là duy trì Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, ở khu vực nơi Mỹ và Trung Quốc là hai đối thủ chiến lược quan trọng nhất.
Ông Biden cũng bày tỏ những quan ngại “căn bản” về cách làm thương mại “chèn ép và không bình đẳng” của Bắc Kinh, cũng như các vấn đề nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương và những hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở châu Á, như đối với Đài Loan.
Phát ngôn viên Nhà Trằng Jen Psaki cho biết ông Biden cũng bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc thiếu minh bạch về virus corona.
Tất cả những vấn đề ông Biden đề cập cũng là những lĩnh vực mà Bắc Kinh đề nghị chính quyền Mỹ đứng ngoài.
Ông Tập nói với ông Biden rằng đối đầu sẽ là “thảm hoạ” và hai bên nên thiết lập lại các phương tiện để tránh đánh giá sai lầm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Ông Tập vẫn nói giọng cứng rắn về các vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan, gọi đó là những vấn đề thuộc “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” mà Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ tiếp cận thận trọng.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ - Trung từ khi ông Tập có cuộc nói chuyện với cựu Tổng thống Donald Trump vào ngày 27/3, nghĩa là cách đây gần 11 tháng. Kể từ đó, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục lao dốc.
Chính quyền Biden đã gửi tín hiệu rằng họ sẽ duy trì sức ép với Bắc Kinh theo cách tiếp cận đa phương, nhưng vẫn muốn hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề như biến đổi khí hậu và thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc viết trên một tweet rằng cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ là “tín hiệu rất tích cực” thể hiện hai bên đã “trao đổi rất sâu”.
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, cho rằng hai nước vẫn còn dư địa để hợp tác, nhưng có quá nhiều khác biệt.
“Những mối quan ngại mà Tổng thống Biden tô đậm chính là các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Vì thế, thu hẹp khác biệt sẽ là việc khó”, bà Glaser nói.
Scott Kennedy, một chuyên gia khác của CSIS, nói rằng dù ông Tập đề xuất nhiều lĩnh vực trao đổi song phương nhưng những thứ đó sẽ mất thời gian, vì ông Biden có kế hoạch sẽ đánh giá lại chiến lược một cách kỹ càng.