Tiễn người trong cõi chữ

Tiễn người trong cõi chữ
TP - Người gieo cấy trên cánh đồng chữ nghĩa, chỉ gặt hái chữ nghĩa, dĩ nhiên. Từng mùa qua. Rồi bóng người khuất xuống. Hạt để lại cho mùa sau là những gì ?... Miền Trung hôm nay đang bão mưa quần quật, chợt hay tin một bạn văn vừa rời cõi Chữ, cõi Đời khi tháng năm phía trước trong hạn phần còn rất dài. Nhà văn Đà Linh...!

> Thiên ký ức sống

Hốt nhiên, cõi người ta tưởng lắm giằng dai dan díu, bỗng chốc bụm lại còn trong lòng tay. Bao nhiêu là thọ, là già, để vẫy tay rời cõi không còn tiếc nuối? Xin thưa, chả bao giờ đủ, dù có bằng tuổi ông Bành Tổ.

Tôi và thi sĩ Phùng Tấn Đông lần gần đây nhất từng có cuộc tranh cãi ra trò với Đà Linh giữa một trưa nắng hanh hao trong cái quán bia ồn ào mang tên Hai Cử, chốn đi về của thập bát ban võ nghệ Đà Nẵng. Lần ấy Đà Linh từ Hà Nội “trở về”, cái sự đi-về lắm đắng cay này là một câu chuyện dài mà giới văn chương đều tường tỏ. Từ lâu, tôi vẫn cho rằng Đà Linh không phải là dân nhậu thứ thiệt. Vì “mồi nhậu” của ông chỉ là bạn bè. Mà bạn bè văn chương ngày càng thưa vắng, chốn nào cũng thế, dù người nộp đơn xin vào Hội Nhà văn vẫn nườm nượp. Khi còn ở Đà Nẵng, hầu như chỉ có vài ba anh em năng được làm “mồi nhậu” cho ông. Con người này mới nhìn qua cung cách vồ vập xã giao, nhưng khi chơi trận chữ nghĩa với nhau, với ông hầu như rất ít người đủ “quyền năng đối đãi”.

Trở lại với cuộc tranh luận hôm ấy. Về hai cái tên Nguyễn Bính và Tô Hoài. Đà Linh khăng khăng tính “phổ quát thế giới” của cha đẻ Dế mèn phiêu lưu ký. Còn tôi và Phùng thi sĩ thì nghiêng về “phổ quát dân gian” của cha đẻ Lỡ bước sang ngang. Qua lại rồi cũng chả đến đâu, cuộc nhậu văn chương nào kết thúc chả vậy. Nhưng toát lên từ Đà Linh là cái “tinh thần thế giới”. Mà thực, ngay từ dáng vẻ, trang phục cách giao tiếp, Đà Linh rất Tây, rất “Parisien”, một điều rất hiếm hoi với các “nhà văn…tỉnh lẻ”.

Nhớ gần chục năm trước, tôi và một đồng nghiệp của Đại Đoàn kết cùng sát vai với ông trong cuộc “đấu” để giữ lại trụ sở của NXB Đà Nẵng mà ông đương kim là Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập. Tòa nhà 5 tầng mang hình cuốn sách mở tuyệt đẹp trên đường Quang Trung bên sông Hàn do chính kiến trúc sư lừng lẫy người Ba Lan Kazik cùng cộng sự Lê Thành Vinh thiết kế. Theo hồi ức của Giám đốc thời ấy, ông Nguyễn Văn Giai, vị trí này có được là khi nhà văn Nguyễn Tuân vào thăm NXB, đã đến gặp Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam-Đà Nẵng đề đạt, và yêu cầu phải xây NXB Đà Nẵng thành “Tòa nhà xuất bản”, mới chứa đựng được kỳ vọng văn hoá lớn lao. Vậy nên, khi bị thu hồi cấp miếng đất khác, Đà Linh và nhiều anh em quay quắt như mất đi phần hồn.

Cái “tinh thần thế giới” của Đà Linh trong vai trò nhiều năm cầm trịch phần nội dung của NXB Đà Nẵng, đó là ý hướng khai phóng, luôn chịu sức ép để in những cuốn hóc búa, nhiều khám phá thể nghiệm khuynh hướng sáng tác mới. Mỗi ca giúp các nhà văn “vượt cạn” là một lần “đi trên dây”. Những Trần Dần – Thơ, Ba người khác (Tô Hoài), Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), Chuyện tình thời tạp kỹ (Lê Anh Hoài), Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm (Hồ Anh Thái), Người nhìn thấy trăng thật (Nguyễn Quang Thiều)… Sau sự cố với Rồng đá (hay là Mũi uốn ván) của Vũ Ngọc Tiến-Lê Mai, Đà Linh về NXB Lao Động, lại làm ngay “bà đỡ” cho Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng – một nhà thơ, nhà nghiên cứu hải ngoại, gây chấn động văn giới trong và ngoài nước. Tháng trước, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Nguyên Ngọc đến thăm Đà Linh tại nhà riêng ở Hà Nội khi ông vừa qua ca mổ dạ dày. Dù tâm thế bệnh tật hiểm nghèo, ông vẫn hào hứng ký tặng hai người cuốn Bàn về triết sống của nhà triết học Pháp đương đại Francois Julliens do ông cùng Nguyễn Hồi Thủ dịch từ tiếng Pháp, vừa in xong. Trước đó, bằng kỳ công của riêng Đà Linh, bộ 14 cuốn của Francois Julliens đã ra đời tại “Tòa nhà xuất bản” Đà Nẵng, giới thiệu một phương pháp luận mới lạ mang tính đối sánh giữa triết học hiện đại phương Tây và minh triết phương Đông...

Vòng cuộc đời Đà Linh đi một cách kỳ lạ. Quê cha Núi Thành – Quảng Nam, tập kết ra Bắc từ trong bụng mẹ, học Chu Văn An, thành chàng trai Hà Nội. Giải phóng về miền Trung khoác áo lính, tiếp đến là những năm tháng nhiệt huyết sôi nổi góp phần quan trọng làm nên tiếng tăm NXB của thành phố biển. Quê hương luôn đau đáu. Nhưng sau sự biến mấy năm trước liên quan đến một cuốn sách, ông lại tha hương, để rồi trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội, và sẽ nằm lại nơi đây. Tôi bàng hoàng khi nhận ra bước ngoặt ghê gớm của lá số cuộc đời lại chỉ đến từ một cuốn sách. Hơn ai hết, tôi cũng biết ảnh hưởng của những cuốn sách ấy là thế nào đối với bước đường thăng tiến của người vợ đẹp, giỏi giang mà ông hết mực yêu thương, trân trọng. Là cây truyện ngắn cho đến bây giờ vẫn giữ nguyên sự khác biệt với lối viết “hiếm và độc”, nhưng tôi biết ông đã “nén nhịn” nhiều lắm. Để toàn tâm hơn với việc cho ra đời những khám phá, sáng tạo mới lạ của người khác.

Nhớ hồi 2004, nói chuyện tại NXB Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 20 năm, nhà văn Nguyên Ngọc đã nhắc đến Vũ Đình Long, ông chủ nhà xuất bản Tân Dân thời đầu thế kỷ trước, để rằng, rất nhiều khi một nhà xuất bản có thể tạo nên cả một trào lưu văn hóa hay trào lưu văn học quan trọng, và phát hiện ra những tài năng lớn.

…Miền Trung hôm nay đang bão lớn, anh Đà Linh ạ! Một hôm nào đó ở miền Trung nhìn bão, tôi và anh đều đã nhận ra rằng, bão cũng có đường đi và định phận của nó. Một hiện tượng hay một sinh thể cũng chỉ là mặc định nhiều ngẫu nhiên, mà sự hiện hữu chỉ là chiếc bóng thông qua vô vàn thế giới khác. Một hạt bụi kêu la trong câm lặng, hay tiếng sấm giữa trời, khác gì nhau? Vì đều hiểu, thế giới của chúng ta là Chữ, sinh thể là những cuốn sách.

Xin tiễn biệt Anh!

Đà Nẵng, ngày bão 30/9/2013

Nhà văn, dịch giả Đà Linh (1958- 2013), bút danh khác Đa Huyên, tên thật Nguyễn Đức Hùng, nguyên Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Đà Nẵng, Hội viên Hội Nhà văn VN. Tác phẩm chính: Giấc mơ của dòng sông (truyện vừa, 1988) cùng các tập truyện ngắn: Nàng Kim Chi sáu ngón (1992), Truyện của người (1997), Vĩnh biệt cây vông đồng (2001)…, cùng một số tác phẩm dịch.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.