Nơi đông người
Một tuần nay, điểm chủng ngừa vắc- xin của Viên Pasteur TPHCM lúc nào cũng đông. Cao điểm từ các ngày 21 đến nay, lúc nào nơi đây cũng ken cứng phụ huynh đưa con đến tiêm ngừa sởi.
Cố gắng đưa con đi sớm, đến Viện Pasteur TPHCM lúc 7 giờ sáng 23/4, nhưng chị Nguyễn Thị Hải (ở Tân Phú) bốc được số 1.720. “Đợi đến gần 12 giờ, cháu nhà tôi mới tiêm được mũi vắc- xin sởi”- chị Hải nói.
Hành lang, ghế đá và cả bãi giữ xe ở trong khuôn viên của viện này chật cứng người. Đến 10 giờ sáng qua, do lượng người đến chủng ngừa quá đông, nhân viên nơi đây thông báo không phát số nữa và hẹn lại chiều.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh - Trưởng khoa Khám tiêm ngừa Viện Pasteur TPHCM, từ ngày 10/4, tình trạng người dân các nơi đổ về tiêm ngừa vắc- xin “3 trong 1”, gồm sởi, quai bị, rubella bắt đầu tăng lên.
“Trước thời điểm đó, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 1200 trường hợp đến khám và tiêm ngừa vắc- xin, nhưng nay thì mỗi ngày Viện tiếp nhận gần 2000 trường hợp”- bác sĩ Thịnh cho biết.
Theo bác sĩ Thịnh, do lượng trẻ đến tiêm quá đông, dù đã dự trữ, nhưng đến thời điểm này, nơi đây còn không quá 5000 liều là hết.
Tình trạng đổ xô đi tiêm cũng diễn ra ở BV Nhi đồng 2. Từ 200 ca đến tiêm sởi cách đây hai tháng nhưng từ đầu tháng 4 đã tăng lên 400 ca/ngày. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, cho biết, lượng người đến tiêm cũng tăng lên từ hai tuần qua, mỗi ngày có khoảng 500 trẻ các nơi đến tiêm.
Chỗ vắng hoe
Trong khi ở các điểm tiêm ngừa này ken cứng người, vắc- xin cũng đang dần cạn kiệt, thì ở các điểm tiêm vắc- xin ở Trạm y tế phường xã vắng hoe.
Đại diện Trạm y tế phường Tân Thuận Đông, quận 7 cho biết, mỗi tuần nơi đây tiêm hai ngày thứ 6, 7 nhưng số người đến tiêm chỉ trên đầu ngón tay.
“Tuần trước trong hai ngày tiêm cũng chỉ có 3 trẻ”- đại diện trạm y tế phường Tân Thuận Đông, cho biết.
Tại Trạm y tế phường 7, quận Phú Nhuận cũng chỉ chích ngừa vắc- xin sởi một ngày. Theo phòng y tế quận Phú Nhuận, nơi đây có 15 trạm y tế và mỗi trạm chỉ chích một ngày.
Tại Trạm y tế phường 1, quận Bình Thạnh chỉ chích ngừa sởi vào ngày 5 và 15 hàng tháng. Tuy nhiên, số lượng trẻ đến tiêm cũng không nhiều.
Chị Nguyễn Thị Kiều Hương, ở quận 7, cho biết, đưa con đi chích vắc- xin sởi ở BV Nhi đồng 2 vì ở đó an toàn. Không chỉ chị Hương, nhiều người lo sợ vắc- xin bảo quản và nhân viên tiêm phòng ở trạm y tế không đảm bảo nên ngại đưa trẻ đến tiêm.
Người dân chờ đợi chích ngừa sởi cho con ở Viện Pasteur TPHCM. Ảnh L.N
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhiều năm nay chưa ghi nhận ca tai biến nào. Trong khi đó, ở các trạm y tế ngoài đảm bảo nơi bảo quản vắc- xin thì nhân viên đều được hướng dẫn, tập huấn tiêm ngừa đúng quy trình.
Có điều chỉnh tiêm vắc- xin cho trẻ dưới 9 tháng tuổi?
Trước tình trạng hàng loạt trẻ dưới 9 tháng tuổi bắt đầu tiêm mũi một vắc- xin sởi và thậm chí trẻ mới sinh cũng nhiễm sởi, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi có nên điều chỉnh độ tuổi tiêm vắc- xin hay không?
Một chuyên gia về dịch tễ học ở TPHCM xin giấu tên, cho rằng, nếu tiêm một mũi thì hiệu quả đạt 95% và tiêm đủ cả hai liều thì cũng chỉ đạt 99%, vì vậy vẫn có khoảng 1 - 5% số người được chủng ngừa nhưng có thể nhiễm sởi.
“Điều đáng nói là từ trước đến nay, Tổ chức y tế thế giới đưa ra lịch tiêm chủng cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi nhưng thực tế ghi nhận cả trẻ mới sinh và dưới 9 tháng mắc sởi quá nhiều”- người này nhìn nhận và theo ông đến nay vẫn chưa có nghiên cứu hay phân tích rõ vì sao, và có cần điều chỉnh độ tuổi ngừa sởi hay không?!.
Theo chuyên gia này, các số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới từ năm 2000 - 2012, chỉ ra tiêm ngừa sởi góp phần làm giảm gần 80% ca tử vong trên toàn thế giới. Hiệu quả đã quá rõ ràng nhưng theo ông, công tác truyên truyền, vận động người dân tiêm ngừa cho trẻ ở nước ta còn mang hình thức, qua loa lấy lệ. Người dân chỉ biết đến tai biến do vắc- xin gây ra mà không thấy được ngành y tế nêu bật tác dụng của chúng.
“Nhiều phụ huynh nói rằng họ không dám cho con đi tiêm ngừa vì họ thấy tai biến vắc- xin quá ghê gớm. Vụ tai biến hàng loạt do vắc- xin Quivaxem, tiêm nhầm làm trẻ tử vong hay cả vụ bớt xén vắc- xin đã làm mất niềm tin của người dân vào công tác dự phòng bệnh. Trong khi đó, cơ quan chức năng gần như đứng ra thanh minh cho các sự vụ trên là “vắc- xin an toàn” mà không có một chương trình truyền thông để lấy lại niềm tin nơi dân chúng”- người này phân tích.