Tích hợp môn Lịch sử: Bộ GD&ĐT thừa nhận gây hiểu lầm

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Phải rất coi trọng việc làm cho giáo dục lịch sử không gây áp lực nặng nề, làm buồn chán học sinh như hiện nay. Ảnh: Hải Nguyễn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Phải rất coi trọng việc làm cho giáo dục lịch sử không gây áp lực nặng nề, làm buồn chán học sinh như hiện nay. Ảnh: Hải Nguyễn
TP - Sáng 17/11, tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển có cuộc trao đổi với lãnh đạo các báo xung quanh câu chuyện dạy tích hợp và tích hợp môn Lịch sử vào môn Giáo dục công dân với Tổ quốc mà dư luận đang quan tâm.

Thứ trưởng Hiển nói rằng, Ban xây dựng chương trình tổng thể nhận thiếu sót là đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm...

5 vấn đề dư luận băn khoăn

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, sau khi đưa dự thảo chương trình tổng thể (CTTT) ra lấy ý kiến công luận, riêng môn Lịch sử (LS) được dư luận rất quan tâm. Các ý kiến chưa đồng tình với dự thảo CTTT được Ban soạn thảo chương trình tổng hợp lại thành 5 vấn đề: Cần đổi mới môn học LS/GDLS theo tinh thần Nghị quyết 29 là chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS. Muốn vậy phải rất coi trọng việc làm cho GDLS không gây áp lực nặng nề, làm buồn chán học sinh như hiện nay, trái lại GDLS phải trở nên hấp dẫn, hứng thú với người học; Ban xây dựng chương trình không coi trọng GDLS, để LS là môn học tự chọn thì sẽ rất ít HS chọn học LS, như thế chẳng khác gì xóa sổ LS trong giáo dục cấp THPT; Nếu để kiến thức LS ở 3 môn như CTTT thì kiến thức LS bị xé lẻ hoặc chồng chéo nhau giữa 3 môn;  Đề nghị duy trì LS là môn học riêng, bắt buộc với tất cả các học sinh.

“Phải rất coi trọng việc làm cho giáo dục lịch sử không gây áp lực nặng nề, làm buồn chán học sinh như hiện nay, trái lại giáo dục lịch sử phải trở nên hấp dẫn, hứng thú với người học”.

             Thứ trưởng 

Bộ GD&ĐT 

Nguyễn Vinh Hiển

Trước 5 băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng thời lượng bắt buộc dành cho nội dung GDLS trong chương trình mới chắc chắn sẽ nhiều hơn trong chương trình hiện hành. Vì chương trình hiện hành bắt buộc học sinh học LS 1,5 tiết/ tuần; dự thảo CTTT mới bắt buộc học sinh phải học 3 tiết/tuần (môn Giáo dục công dân với Tổ quốc), cộng thêm môn KHXH 3 tiết/tuần hoặc LS 3 tiết/tuần. Tuy nhiên, Ban xây dựng CTTT nhận thiếu sót là đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến xôn xao dư luận. Tiếp thu các góp ý, văn bản CTTT sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho rõ vấn đề này.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Với môn LS, tôi hy vọng là khi tích hợp sẽ tốt hơn. Tôi có niềm tin vào điều này. Đây là trách nhiệm với đất nước, với học sinh. Làm tốt hay không, học sinh sẽ trả lời. Không chỉ tôi có niềm tin mà cả tập thể cũng có niềm tin vào điều này. Vì khi tích hợp khéo, kiến thức gần nhau, liên quan đến nhau, soi rọi cho nhau. Theo logic khoa học hiện đại, khi tích hợp sẽ loại bỏ những kiến thức cần thiết cho môn khoa học nhưng lại không cần thiết trong cuộc sống”.

Giáo viên có thích ứng trước cái mới?

Theo CTTT mới, ở cấp học dưới sẽ được tích hợp, lên THPT sẽ phân hóa mạnh. Không chỉ riêng môn LS mà các môn học khác trừ Toán, Văn, Ngoại ngữ đều tích hợp, do đó  tại buổi giao ban, các báo đặc biệt quan tâm tới đội ngũ giáo viên. Về vấn đề này, trả lời báo Tiền Phong, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết ở các nước trên thế giới có tích hợp ở mức độ thấp (như Pháp, Hàn Quốc, Đan Mạch…) và tích hợp cao (như Úc). Ở Việt Nam sẽ tiến hành từng bước từ thấp đến cao.

Trước câu hỏi của báo Tiền Phong về việc với cương vị là Trưởng ban soạn thảo chương trình-SGK, Thứ trưởng lo lắng, băn khoăn nhất điều gì, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết đó chính là nhận thức của giáo viên trước cái mới. Vì vậy, cần phải giải quyết vấn đề này đầu tiên, sau đó mới đến vấn đề bồi dưỡng. Thứ trưởng Hiển cũng cho biết thêm, Bộ GD&ĐT đang bồi dưỡng theo hướng đổi mới sinh hoạt chuyên môn tại các nhà trường, đổi mới mục đích của dự giờ ở mỗi giáo viên. Vấn đề khó khăn thứ hai là nhận thức của xã hội về chương trình mới. “Làm thế nào để xã hội hiểu và đồng hành với cái mới cũng thật khó” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.