Về nguy cơ “biến mất” môn lịch sử: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói gì?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 đã làm giảm tốn kém tiền của, công sức của người dân. Ảnh: HL.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015 đã làm giảm tốn kém tiền của, công sức của người dân. Ảnh: HL.
TP - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận khi trả lời chất vấn của Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) trước việc thay đổi cách giảng dạy môn Lịch sử chiều 16/11, cho rằng môn lịch sử không bị coi nhẹ.

Sự thay đổi “xáo trộn tận tâm can”

ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) dành toàn bộ thời gian chất vấn về đề án cải cách chương trình và sách giáo khoa hệ phổ thông. Vị ĐB gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục cho rằng, dư luận đang “xáo trộn tận tâm can” về sự thay đổi cách giảng dạy bộ môn Lịch sử, từ môn học độc lập thành một môn học tích hợp.

ĐB chất vấn Bộ trưởng về tính đúng đắn, ưu việt của sự thay đổi này: “Bộ trưởng có dự định gì hoặc hoãn thực hiện chủ trương thay đổi chương trình sách giáo khoa giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng thiết thực không? Nếu không dừng, không hoãn thì Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?”.

ĐB Lai cũng chất vấn việc tự ý thay đổi bản dịch “Nam quốc sơn hà” cũ đã tồn tại bao đời nay, có chỗ đứng vững chắc trong lòng dân tộc và được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta bằng một bản dịch mới “không thể đồng tình”.

Đề cập đến công tác đổi mới tuyển sinh, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 “gây nhiều áp lực căng thẳng, tốn kém tiền của, công sức của người dân”.

Chỉ 8% “căng như chơi chứng khoán”

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, môn Lịch sử trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới không bị coi nhẹ, thậm chí được coi trọng hơn. 

Bộ trưởng Luận chứng minh, hiện học sinh THPT được học 1,5 tiết Lịch sử mỗi tuần nhưng trong chương trình mới, học sinh không học chuyên ban sẽ học 2,5 tiết, với những học sinh theo chuyên ban Khoa học Xã hội được học 4 tiết mỗi tuần.

Về lý do đưa môn Lịch sử tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc, theo Bộ trưởng Luận, trong Luật Giáo dục quốc phòng an ninh có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng, việc đưa Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc để tránh trùng lắp.

 Bên cạnh đó, trong các môn học khác, Bộ dự kiến lồng ghép Lịch sử vào các môn khác như Văn học, Địa lý, Âm nhạc… Bộ trưởng ví dụ, như giảng bài “Bình Ngô đại cáo”, “Hịch tướng sĩ”, hay “Tuyên ngôn Độc lập”, nếu không gắn lịch sử thì học sinh sẽ không hiểu và không thể rung động.

Bộ trưởng Luận cho biết thêm, Ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến người dân, sau đó sẽ báo cáo lại các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ.

 “Chúng tôi sẽ làm việc với các chuyên gia trước khi kết luận. Nếu tích hợp mà làm nhẹ thì tích hợp, còn nếu làm nặng thêm sẽ không triển khai”. Cũng liên quan đến câu hỏi chất vấn của ĐB, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, lần làm sách này nếu thấy không cần thiết thì sẽ không thay đổi bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà”.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 “gây nhiều áp lực, tốn kém tiền của, công sức của người dân”, Bộ trưởng Luận phủ nhận điều này, đồng thời khẳng định kỳ thi này đã giảm tốn kém rõ ràng, vì thi tốt nghiệp tổ chức ở địa phương.

 “Việc báo chí phản ánh thí sinh và cha mẹ căng thẳng như chơi chứng khoán, số liệu thống kê trên máy tính cho thấy, số này chiếm 8% lượng thí sinh dự thi. Hiện tượng này không phải phổ biến ở tất cả các trường và không phải tất cả thí sinh”, Bộ trưởng Luận khẳng định.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.