Thủy điện bỏ rơi dân trong khô hạn?

Thủy điện chặn dòng khiến sông Đăk S nghé khô cạn
Thủy điện chặn dòng khiến sông Đăk S nghé khô cạn
TP - Người dân Tây Nguyên đang phải gồng mình giữa nắng hạn, nay lại khốn đốn thêm bởi nhiều công trình thủy điện tích nước hay nắn dòng. Nông dân khóc bên ruộng lúa cho bò ăn, giờ lại thêm ẩn ức với nhiều công trình thủy điện...

Giữa trời nắng đỉnh điểm, gia đình bà Nguyễn Thị Như (trú tại thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) đang tranh thủ một phần nước tưới để hoàn thành việc cấy lúa. Tuy nhiên, mảnh ruộng khoảng 2 sào của nhà bà Như nước chỉ vào nhỏ giọt.

Thủy điện bỏ rơi dân trong khô hạn? ảnh 1 Dự án thủy điện Chư Pông Krông đã làm trạm bơm cạn nước

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, nước tưới tiêu cho cánh đồng D12 có 1 trạm bơm thuộc chi nhánh của Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Krông Nô, với công suất 270m3/giờ. Trạm bơm này có chức năng tưới tiêu cho khoảng 120ha, diện tích chủ yếu lúa nước của người dân địa phương ở cánh đồng Buôn Sứk và cánh đồng D12 (xã Quảng Phú).

Anh Bùi Xuân Phú nhân viên trạm bơm kể, nguồn nước dẫn vào để trạm bơm hoạt động ổn định bấy lâu nay từ thượng nguồn sông Krông Nô, nhưng nay do tác động của thủy điện Chư Pông Krông, việc bơm nước từ sông lên là rất khó khăn. Trạm có 3 máy bơm hoạt động, 2 máy bơm còn lại hầu như bị tê liệt.

Đầu năm 2018 khi thi công Nhà máy thủy điện Chư Pông Krông, dòng chảy xuống hạ lưu sông Krông Nô hoàn toàn bị thay đổi, nguồn nước tưới bắt đầu cạn kiệt. Nguyên nhân là trong quá trình xây dựng Dự án thủy điện Chư Pông Krông, chủ đầu tư là Cty Hưng Phúc (tại tỉnh Đắk Lắk) đã nạo vét, tác động vào lòng sông, nắn dòng chảy của sông Krông Nô lệch hẳn về phía bờ sông thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trạm bơm D12 nằm ở phía bờ sông thuộc địa phận Đắk Nông đã lâm vào cảnh hụt chân, thiếu nước.

Ông Y Cam, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú xác nhận, cánh đồng Buôn Sứk và D12 cách xa trạm bơm và trạm buộc phải hoạt động hết công suất thì 2 cánh đồng nói trên mới có đủ nước tưới để canh tác. Trong khi đó, ông Doãn Gia Lộc - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Nô cho biết, việc thiếu nước tưới của người dân là do sau khi thủy điện thi công. “Nếu chủ đầu tư không rốt ráo, dứt điểm vấn đề này, chúng tôi sẽ có văn bản tham mưu cho UBND huyện Krông Nô gửi Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TNMT) đề nghị không cấp phép sử dụng mặt nước cho công trình này”, ông Lộc nói.

Thủy điện lợi ở đâu chưa thấy, nhưng trước mắt đã làm hại đến rất nhiều hộ dân. Theo đó, đầu năm 2018 quá trình khởi công dự án thủy điện Chư Pông Krông, chủ đầu tư đã cho nổ mìn, làm ảnh hưởng đến khoảng 45 hộ dân ở xã Quảng Phú (cách dự án thủy điện khoảng 300m). Sau khi dư luận phản ánh, chủ đầu tư đã tiến hành rà soát, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa thực hiện dứt điểm, do nhùng nhằng phương án bồi thường.

Hơn 108 ha cây trồng 'khát nước'

Theo UBND xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), do các thủy điện chặn dòng, nên sông Đăk Snghé không điều tiết được nước tưới, đã làm hơn 108 ha (trong đó, 92 ha cà phê, hơn 9 ha cây ăn trái, 5 ha cây hồ tiêu, 2 ha lúa, hoa màu) tại thôn 3 khô héo.

Theo phản ánh của ông Đặng Văn Thương (54 tuổi), gia đình ông có 6 ha cà phê thì 1 ha mới trồng vài tháng đã chết khô vì thiếu nước. “Nếu tình trạng này kéo dài, diện tích còn lại cũng sẽ chết khô. Trong khi đó, chúng tôi phải trả khoản vay ngân hàng 700 triệu đồng ném vào rẫy”, ông Thương lo lắng.

Giữa thời điểm khô hạn đỉnh điểm, người dân đang cố tìm nguồn nước để cứu tài sản nguy cơ trắng tay, còn các đơn vị liên quan đùn đẩy trách nhiệm nhau.

Trả lời báo chí, ông Lê Thanh, Phó Ban Quản lý Dự án Cty Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (đơn vị chủ quản nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum - công suất 220MW) cho biết, Thủy điện Đăk Ne là đơn vị chịu trách nhiệm về việc cây trồng của người dân thiếu nước tưới. Bởi khi Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, Thủy điện Đăk Ne phải thường xuyên xả nước (1,29m3/s), nhưng đơn vị này không thực hiện.

Trong khi đó, ông Hồ Thanh Tiến, Trưởng phòng Kỹ thuật, Cty Cổ phần đầu tư năng lượng Trường Thịnh (đơn vị chủ quản nhà máy thủy điện Đăk Ne - công suất 8,1MW) lại khẳng định, khi Thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, tích nước, dòng sông chính hầu như khô hạn. Trước đây lưu lượng nước chảy về Thủy điện Đăk Ne 10-12 m3/s nhưng hiện tại lưu lượng nước đổ về rất ít.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum phân tích, khi Thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng tích nước đã để lại một nhánh nhỏ chảy về đập Thủy điện Đăk Ne. Thời điểm này, Thủy điện Đăk Ne cũng tích nước một vài hôm để phát điện. Quá trình phát không trùng với thời gian lấy nước của người dân nên dẫn đến tình trạng thiếu nước. Để đảm bảo sản xuất của người dân, Sở Công Thương yêu cầu phía Thủy điện Đăk Ne tạm dừng việc phát điện, ưu tiên cho mục tiêu xả nước đảm bảo cho đời sống người dân phía hạ lưu. 

Còn trong trường hợp Thủy điện Đăk Ne đã điều tiết nước nhưng lượng nước không đủ tưới tiêu cho người dân thì Thủy điện Thượng Kon Tum phải có trách nhiệm hỗ trợ, tổ chức chạy máy để đảm bảo đến thời gian xả ra môi trường.

“Ngày 24/3, Sở Công Thương Kon Tum sẽ làm việc với các nhà mày thủy điện để họp bàn các giải pháp tìm nguồn nước. Hiện tại UBND huyện đang rà soát, đánh giá thiệt hại của người dân để yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Nếu người dân cảm thấy bị thiệt hại nặng thì có quyền khởi kiện doanh nghiệp làm thủy điện. Huyện Kon Rẫy sẽ hỗ trợ pháp lý để người dân khởi kiện” - ông Võ Văn Lương, Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy nói.

Dự án thủy điện Chư Pông Krông nằm ở địa phận 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đắk Nông, đến nay vẫn chưa nhận được hồ sơ về công tác giao đất, cho thuê đất, để thực hiện dự án thủy điện. Trong khi đó, Công văn số 1445 của Sở Công Thương báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông, khẳng định: “Công trình thủy điện Chư Pông Krông nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa đủ điều kiện để thi công hạng mục theo quy định”. Được biết, Giám đốc Cty Hưng Phúc là bà Nguyễn Thị Minh, vợ ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.