Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định song phương này sẽ giữ nguyên các lợi ích trong quan hệ thương mại hiện tại giữa Vương quốc Anh (UK) với Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA).
Kết thúc đàm phán FTA tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã ký tuyên bố chung về FTA trong đó nêu rõ những quyền lợi của doanh nghiệp (DN) sẽ được tiếp tục khi thuế xuất nhập khẩu (XNK) giảm; cơ hội tiếp cận nhiều hơn đến các dịch vụ; các sản phẩm thiết yếu của Anh và Việt Nam sẽ được bảo hộ.
Khi FTA được áp dụng hoàn toàn Việt Nam có thể hưởng lợi khi có thể tiết kiệm lên tới 114 triệu Bảng Anh tiền thuế xuất khẩu. Đối với UK con số này là 36 triệu Bảng Anh.
Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss cho biết, UK và Việt Nam có chung cam kết chiến lược đối với thương mại toàn cầu và tự do hoá giao dịch vốn và đầu tư. Thoả thuận thương mại tự do UK- Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong bối cảnh nước Anh sẽ chính thức xin gia nhập Hiệp định CPTPP vào đầu năm 2021.
Qua đó thắt chặt hơn mối quan hệ của UK với Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để UK tăng cường mối quan hệ với 11 nền kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, mang lại nhiều cơ hội hơn cho Vương Quốc Anh, cho nền kinh tế cũng như người dân Anh.
Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh- Việt Nam (UKVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo đó, 99% thuế XNK sẽ được xoá bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan, bao gồm thuế đối với máy móc, thiết bị và dụng cụ cơ khí- các sản phẩm đứng đầu trong danh mục hàng hoá Anh xuất khẩu sang Việt Nam và dược phẩm đứng thứ hai trong danh mục xuất khẩu.
Các DN, chuỗi cung ứng, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Anh như quần áo, vải, giày dép.
Các DN vẫn có thể tiếp cận với các ngành dịch vụ của Việt Nam như dịch vụ kiến trúc. Về thương mại điện tử, hiệp định sẽ cấm thuế hải quan về truyền dẫn điện tử; về dịch vụ tài chính, các nhà đầu tư Anh vẫn sẽ có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn và dịch vụ phụ trợ.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2010 đến năm 2019, thương mại song phương giữa UK và Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, lên tới 5,7 tỷ Bảng Anh và sẽ ngày càng được nâng cao khi thuế XNK được xoá bỏ.
Riêng trong năm 2019, các doanh nghiệp (DN) UK đã XK lượng hàng hóa trị giá hơn 600 triệu bảng Anh sang Việt Nam. Cũng trong năm 2019, các DN Việt Nam đã XK hàng hóa sang UK với trị giá khoảng 4,6 tỷ bảng Anh.