Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển “chữa bệnh cần thuốc đắng”, tức căn bệnh trầm kha của nền giáo dục nước nhà đã đến lúc phải kê toa nặng đô giúp điều trị tận gốc, dẫu biết có lo ngại, có những phản ứng phụ xảy ra.
Ông Hiển khẳng định, “giữa đáp ứng mục tiêu dạy học với đảm bảo an toàn thi đỗ 100% thì theo tôi cần ưu tiên việc đáp ứng mục tiêu”. Mục tiêu ở đây chính là phát triển năng lực của người học chứ không phải chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức như hiện nay.
Cách đánh giá môn văn xưa nay thiên về tầm chương trích cú, loanh quanh hết “Vợ chồng A Phủ” lại đến “Vợ nhặt” rồi “Lặng lẽ Sa pa”.... Cách dạy và học này không những khiến học sinh chán văn mà còn vô hình trung khuyến khích lối học tủ, học vẹt với hàng loạt bài văn mẫu vô hồn, sáo rỗng.
Thật đáng buồn, nhiều học sinh học hết 12 năm học phổ thông vẫn viết sai chính tả, vẫn không hiểu được những điều người khác viết. Tốt nghiệp THPT mà không thể viết hoặc bày tỏ quan điểm của mình trước một sự vật, hiện tượng theo cách rõ ràng, mạch lạc nhất có thể. Đó là sự thất bại trong cách dạy và học văn xưa nay.
Vì thế cũng dễ hiểu lý do tuyên bố có phần “gây sốc” của lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc đổi mới đề thi văn, ngay trước thềm kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Đó là đề thi văn sẽ chỉ bao gồm hai phần, đọc hiểu và nghị luận, trong đó có thể sẽ sử dụng cả những ngữ liệu ngoài SGK.
“Nút bấm” nhằm vào đề thi văn lần này của Bộ chắc chắn sẽ làm chuyển động cả hệ thống dạy văn và học văn trong nhà trường theo hướng tích cực. Thị trường sách tham khảo, văn mẫu bát nháo sẽ khó bề tồn tại. Nạn dạy thêm, học thêm đại trà như hiện nay cũng sẽ bớt dần, bởi cả thày lẫn trò cũng không thể luyện tủ và học tủ được nữa.
Chỉ có điều, không hiểu vì sao Bộ GD&ĐT lại trình làng “toa thuốc đắng” để “giã tật” vào phút 89 như vậy? Sẽ ổn thỏa hơn, đỡ vội vàng, gấp gáp hơn nếu sự thay đổi quan trọng này được công bố ngay từ đầu năm học để cả triệu học trò lẫn thầy cô kịp trở tay? Vì dẫu sao, sự học vẫn là cả một quá trình.