Đổi mới giáo dục - đào tạo: Phải vừa chạy vừa xếp hàng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: TTXVN
TP - Đổi mới giáo dục - đào tạo, trong điều kiện hiện nay chưa thể làm theo tuần tự thì phải “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Ngày 25/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đổi mới giáo dục - đào tạo phải theo thứ tự: xác định hệ thống giáo dục - xây dựng và làm sách giáo khoa - sắp xếp đội ngũ và đổi mới thi cử. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay chưa thể làm theo tuần tự thì phải “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Tại phiên họp, các thành viên hội đồng thảo luận 3 nội dung lớn, gồm: Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT); việc thành lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Phan Thanh Bình cho rằng, đất nước muốn có bước nhảy vọt và chuyển về chất thì phải xuất phát từ giáo dục, trong đó, làm rõ quan điểm về giáo dục. Theo ông Bình, chương trình phổ thông là phải đào tạo công dân bình thường, không phải đào tạo chuyên gia. 

Như vậy, đòi hỏi đối với học sinh sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. “Hiện nay đều muốn mỗi em là một thiên tài. Có đánh giá còn cho rằng, học sinh phổ thông Việt Nam nhỉnh hơn cả Mỹ”, ông Bình nói. Cấp tiểu học cần chú trọng đào tạo kỹ-thể-mỹ, cấp 2 đào tạo con người bình thường, cấp 3 đào tạo công dân có năng lực, ông đề xuất.

Nên đào tạo theo tín chỉ

GS.TS Nguyễn Minh Đường, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đồng tình với nội dung giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập suốt đời. Ông Đường cho rằng, cả thế giới đã làm theo mô hình này thì có lý do gì chúng ta không làm theo. “Việc này cực kỳ quan trọng. Mà để làm được điều này thì phải thực hiện bằng được đào tạo theo tín chỉ liên thông, không nên tổ chức đào tạo theo năm học, niên khóa hiện nay. 

Tôi biết điều này rất khó vì hình thức đào tạo này sẽ làm đảo lộn toàn bộ việc dạy và học của thầy và trò. Chả thầy giáo, hiệu trưởng nào thích. Tuy nhiên, điều đó là cần thiết, nếu không, không thể nào xây dựng được xã hội học tập suốt đời”, GS Đường nhận định.

Ngoài ra, công tác quản lý cần đổi mới và cơ cấu lại hệ thống quản lý càng sớm càng tốt, bởi theo GS Đường, “thời gian qua, công tác quản lý có quá nhiều yếu kém, rất phức tạp, có hai cơ quan quản lý, hai cơ cấu hoạt động vừa trung cấp vừa cao đẳng. Hai cái đầu như thế này làm sao chúng ta có thể thống nhất trong quản lý”. 

Tiếp đó là phát triển đội ngũ nhà giáo, bởi điều này quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục lần này. “Họ có thể là lực lượng làm nên thành công, nhưng cũng có thể là cản trở lớn nhất, nếu họ không có năng lực, không đủ sống. Nhà giáo không đủ ăn, làm sao tập trung mọi tâm huyết cho đào tạo con người”, GS Đường nói.

Theo dự thảo chương trình hành động của Chính phủ, sẽ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, đổi mới GDĐT muốn thành công phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành và cả xã hội. Ông Luận đề nghị Bộ Nội vụ nhanh chóng hoàn thiện đề án về tuyển dụng công chức như một yếu tố thúc đẩy đổi mới giáo dục.

“Tại sao học giả, bằng giả chỉ có thể chui được vào cơ quan nhà nước, chứ không thể vào được công ty tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài? Do vậy, nếu không lọc được đầu vào cơ quan nhà nước thì việc thực học, thực việc sẽ rất khó”, Bộ trưởng Luận nói.

Có thể viết nhiều bộ SGK

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nói rằng, với việc đẩy mạnh xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức hợp lý trong các cơ quan nhà nước, không phải vị trí nào cũng cần bằng đại học, khi đó sẽ sử dụng phù hợp hơn nguồn nhân lực của ngành giáo dục.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cơ chế tuyển vào cơ quan nhà nước được nâng cao sẽ kéo theo chất lượng giáo dục đi lên.

Theo Phó Thủ tướng, việc đổi mới GDĐT phải theo thứ tự: xác định hệ thống giáo dục - xây dựng và làm sách giáo khoa - sắp xếp đội ngũ và đổi mới thi cử. 

“Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay chưa thể làm theo tuần tự thì phải vừa chạy vừa xếp hàng. Bộ GD&ĐT đã bắt tay làm chương trình và sách giáo khoa, nhưng cần nhanh chóng triển khai việc xác định hệ thống giáo dục mới”, ông Đam nói. 

Đã xác định được hệ thống giáo dục thì chương trình và sách giáo khoa sẽ không phải vấn đề khó. Trước mắt, chưa làm rõ được ngay việc đổi mới hệ thống giáo dục thì chương trình sách giáo khoa phục vụ hệ thống giáo dục hiện nay phải hướng đến yêu cầu đổi mới như Nghị quyết Trung ương đã đặt ra. Phó Thủ tướng cho rằng, cần phân định giữa chương trình và sách. Phân vai rõ người thiết kế và người trực tiếp viết sách.

Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Phan Thanh Bình đề xuất, viết sách giáo khoa cần có sự tham gia của chính những người thầy đang giảng dạy ở các trường phổ thông và các hội nghề nghiệp. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sẽ tách bạch được lực lượng làm chương trình và lực lượng viết sách giáo khoa. 

Sau khi có chương trình thống nhất, có thể huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia viết nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, đó là việc của tương lai, chưa phải của lần đổi mới sách giáo khoa trước mắt này.

Theo lộ trình thực hiện Đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, trong giai đoạn 2014-2015, xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học và biên soạn các sách giáo khoa thử nghiệm lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Giai đoạn 2016-2022, hoàn thành việc thử nghiệm và ban hành chương trình sách giáo khoa mới, biên soạn sách giáo khoa thử nghiệm các lớp 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11, 12.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, chương trình hành động của Chính phủ phải bám sát Nghị quyết Trung ương, làm sao GDĐT thực sự được đổi mới căn bản, toàn diện. Đồng thời, sớm ban hành nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ trong tháng 3. 

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng học tập suốt đời trên cơ sở kế thừa hệ thống hiện nay và tiếp thu xu thế phát triển chung của thế giới. Vấn đề này còn có ý kiến khác nhau, nên cần sớm khởi động ngay sau khi có chương trình hành động của Chính phủ. 

 Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo Tới đây sẽ thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới GDĐT do Thủ tướng làm Chủ tịch. Hai Phó Chủ tịch là Trưởng Ban Tuyên Giáo T.Ư Đinh Thế Huynh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Ủy ban này là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan để đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT.

MỚI - NÓNG