Theo ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục thuế, TPHCM đã dự kiến một số mặt hàng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu … và khi đặt ra, phải xem xét đến việc hành thu.
“Xăng dầu ảnh hưởng môi trường nhưng việc tăng thuế cũng sẽ tác động đến sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào”, ông Tâm nói.
TS Trần Du Lịch cho rằng các cơ chế thí điểm như tăng tính tự chủ về ngân sách, các cơ chế tăng thu; cơ chế quyết định số chi … sẽ tạo điều kiện để TPHCM phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, ông Lịch cảnh báo nhiều loại thuế phí có tác động tích cực nhưng đi kèm nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đơn cử nếu tăng thuế nhập khẩu ô tô thì doanh nghiệp không nhập khẩu ô tô về TPHCM mà đưa sang nơi khác.
TS Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright) cho rằng thuế, phí như con dao hai lưỡi nên cần phải đánh giá tác động, không chỉ đối với nguồn thu. Đơn cử như việc đánh thuế các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá… sẽ tác động đến du khách. Trong khi TPHCM đang muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Tăng thuế, phí chắc chắn một số khu vực kinh tế sẽ tăng thu nhưng đồng thời sẽ làm giảm thu một số khu vực khác. Phải có bức tranh tổng thể về thu chi để đánh giá nếu làm thay đổi chi tiết này thì ảnh hưởng như thế nào đến các chi tiết khác và cả bức tranh. Và quan trọng hơn, TPHCM làm thế nào điều phối để cả nền kinh tế phát triển hài hoà”, TS Tự Anh nói.
TS Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng một khi áp dụng công cụ thuế phí, TPHCM phải chấp nhận nguyên tắc “không hối tiếc” bởi đưa ra thực hiện không dễ, rút lại càng khó hơn do ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền.
“Những đề án cần đánh giá tác động thì phải hết sức thận trọng. Và khi thực hiện các giải pháp phải tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế như tăng ngân sách đầu tư giải quyết yếu kém, tăng thu nhập… Nhưng phải lưu ý điều này cũng sẽ làm tăng chi phí doanh nghiệp; đẩy mặt bằng chi phí cao hơn và kinh tế TPHCM không còn ưu thế cạnh tranh”, ông Tự Anh lưu ý.
Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng cho biết các loại phí, lệ phí không có trong danh mục, tăng phí, bao nhiêu loại, mức tăng thế nào…, Sở đã chuẩn bị xong.
Bà Thắng cho rằng việc tăng thuế suất cần đánh giá tác động đối với nguồn thu (và cả thất thu), tác động đến kích cầu, thu hút đầu tư…
“Hôm rồi TPHCM có ý tưởng đưa ra một số loại phí, không phải để thu mà để điều tiết kinh tế xã hội. Các mức phí phải xem lại, có loại phí phải giảm đi chứ không tăng và thẩm quyền quyết định thuộc HĐND TPHCM”, bà Thắng nói.
Không còn con đường nào khác
Theo Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan, các đề án cụ thể về thí điểm cơ chế đặc thù phải hoàn thành trong tháng 3/2018 để trình Thành ủy và HĐND TPHCM. Thời gian nghiên cứu, soạn thảo trình UBND TPHCM phê duyệt chỉ còn khoảng 3 tháng.
“Việc soạn thảo đề án phải tuân thủ đúng quy trình, thủ tục như Quốc hội làm luật nhưng thời gian không nhiều; phải đảm bảo tiến độ để báo cáo HĐND TPHCM trước tháng 6/2018”, ông Hoan nói.
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển nói làm nhanh các đề án là rất cần nhưng quan trọng hơn là phải thận trọng bởi nếu làm không khéo, TPHCM sẽ mất uy tín với người dân, Chính phủ, Quốc hội…
Đồng tình, ông Trần Hoàng Hải (ĐH Luật TPHCM) nói ba tháng chuẩn bị là thời gian rất ngắn, rất nhiều áp lực. Cơ chế đặc thù là cơ hội, “cú huých” để TPHCM tăng tốc phát triển nhưng nghị quyết cũng quy định nếu TPHCM làm không tốt thì phải tạm dừng.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, việc Quốc hội ban hành nghị quyết là vinh dự của TPHCM vì tất cả nội dung chỉ thực hiện trong một kỳ họp. Điều đó còn thể hiện sự kỳ vọng và sự quan tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ dành cho TPHCM. Nghị quyết là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức rất lớn của thành phố.
Ông Phong cho biết Nghị quyết của HĐND TPHCM về triển khai cơ chế đặc thù của Quốc hội có 19 đầu việc và đến tháng 6/2018 phải trình HĐND TPHCM xem xét nên cần có sự tham gia nghiên cứu sâu của các ngành, các chuyên gia.
“Từng giám đốc sở phải nỗ lực, không còn con đường nào khác”, ông Phong nhấn mạnh.
Về việc soạn thảo các đề án, ông Phong yêu cầu chia làm nhiều nhóm do chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TPHCM trực tiếp chỉ đạo; giám đốc các sở ban ngành liên quan chịu trách nhiệm với sự hỗ trợ của các chuyên gia. Chậm nhất là đến ngày 15/1 các nhóm phải xong đề cương báo cáo UBND TPHCM.
Theo chủ tịch UBND TPHCM, một số công việc có thể làm ngay và công bố vào 15/1/2018 (thời điểm nghị quyết có hiệu lực) như quy trình đầu tư, tổ liên ngành…
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho biết ngoài cơ chế đặc thù, thành phố đang nỗ lực tạo ra các cơ chế thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Như vừa qua UBND TPHCM mời các chuyên gia góp ý về hoàn thiện quy trình đầu tư. TPHCM đang xúc tiến thành lập tổ công tác liên ngành do chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
“Nhiều nhà đầu tư rất có thiện chí nhưng mình cứ lòng vòng, nhiều khi mất cơ hội của người ta”, ông Phong nói.
Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 là kỳ vọng TPHCM sẽ giải quyết hiệu quả các bài toán về yếu kém hạ tầng dẫn đến kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải bệnh viện…
Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM: Cần tái cấu trúc nguồn nhân lực
Tái cấu trúc lại nguồn nhân lực cho TPHCM là điều cần làm khi thành phố nỗ lực tập trung xây dựng các cơ chế đặc thù. Theo tôi ngoài tạo chính sách tiền lương làm động lực thúc đẩy, đội ngũ cán bộ công chức TP cũng cần tái cấu trúc lại, đặc biệt là nguồn nhân lực, hành chính công. Bộ máy này nếu giỏi, trong sạch thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của TP xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực, đó không chỉ liên quan đến vấn đề lương - thưởng, mà còn là khoa học công nghệ.
Ngoài ra, theo tôi TPHCM cũng nên tính toán lại toàn bộ hệ thống giáo dục TP, bởi hiện nay có 58 trường đại học, 38 trường cao đẳng, 68 trường trung cấp, 370 cơ sở dạy nghề nhưng vẫn chưa đáp ứng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của TP. Vì vậy, cần quy hoạch lại hệ thống đào tạo, cân đối lại việc quy hoạch, phát triển. Chính sách đầu tư thu hút nhân tài, chính sách đầu tư cho những ngành nghề trọng điểm…
Bên cạnh đó, TP cần giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, trật tự văn mình đô thị… đòi hỏi phải có bước đánh giá thực trạng và xây dựng chiến lược, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Kinh tế TP phát triển đa dạng, năng động nhưng vẫn còn lượng lớn lao động thiếu kỹ năng, vì vậy phải nâng cao chất lượng lao động, đồng thời đảm bảo phúc lợi cho người dân, nâng cao mức sống của người dân.
Uyên Phương - Văn Minh
Bà Vương Ánh Tuyết (P. Bến Thành, Q.1): Mong chất lượng sống nâng cao
Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông về việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM, với tư cách là công dân của TP, tôi rất vui mừng và hoàn toàn ủng hộ. Đây là cơ hội để TP phát triển hơn nữa trong tương lai, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Nghị quyết này cho thấy có sự phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn cho TPHCM trong nhiều lĩnh vực như quản lý đất đai, đầu tư, tài chính-ngân sách nhà nước, cải thiện tiền lương cho cán bộ, công viên chức của thành phố, tự chủ mức thu thuế, phí và lệ phí một số lĩnh vực…
Theo tôi, các chính sách tăng thuế, phí và lệ phí… phải thực hiện làm sao cho minh bạch, công khai, đảm bảo công bằng và người dân cảm thấy thỏa đáng. Không chỉ để kinh tế TPHCM phát triển, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả nước, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc gia mà còn phải đảm bảo làm cho đời sống người dân tốt lên, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn…
Tôi mong TPHCM sẽ phát triển hơn nữa để người dân được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TP. Trước mắt đó là phải phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng đường sá, không còn cảnh ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm khói bụi… Tuy nhiên, TPHCM cũng cần phải nghiên cứu, cân nhắc trong việc thực hiện các chính sách như tăng thuế, lệ phí… để tránh tác động đến đại bộ phận người dân. Nhà nước cũng cần có cơ chế giám sát TPHCM thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù này để TPHCM làm tốt hơn nữa.
Uyên Phương - Văn Minh