Tính tới phương án cầu hàng không
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, việc quan trọng nhất trong thời điểm này là phải bằng mọi biện pháp để đưa hết số lao động Việt Nam ra khỏi điểm nóng tại hai thành phố Tripoli và Benghazi. “Lao động nào sơ tán được phải làm ngay. Việc đảm bảo an toàn cho người lao động được coi là nhiệm vụ hàng đầu”, ông Quỳnh nói.
Theo ông Quỳnh, trong số 281 người bị kẹt tại hai điểm nóng xung đột trên, có 175 lao động đã được di tản. Số còn lại, các cơ quan liên quan đang xúc tiến di tản tiếp. “Tùy tình hình diễn tiến, sẽ có biện pháp để bảo đảm an toàn cho người lao động. Cục, Bộ không loại bỏ bất kỳ phương án nào, kể cả việc lập cầu hàng không như năm 2011”, ông Quỳnh nói.
Cũng theo ông Quỳnh, hiện, Cty Vinamec đang cùng với đối tác ở Libya (Cty Huyndai) lên kế hoạch thuê chuyên cơ để đưa 682 lao động về nước.
“Hiện, việc thuê chuyên cơ để đưa số lao động này rời khỏi Libya để sang Ai Cập đã thành công. Các bên đang đàm phán với các hãng hàng không (kể cả Vietnam Airlines - VNA) để đưa lao động từ Ai Cập về Việt Nam”, ông Quỳnh cho biết.
Để kết nối với các bên hỗ trợ lao động Việt Nam di tản, ngày 31/7, Bộ LĐ -TB&XH đã quyết định cử ông Nguyễn Đức Nam- Nguyên Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Libya (hiện là Phó Tổng GĐ Cty Sona, thuộc Bộ LĐ-TB&XH) lên đường sang Libya. Ông Nam là người đã trực tiếp tham gia chỉ đạo đưa hơn 10.000 lao động Việt Nam từ Libya về nước trong năm 2011.
Được biết, nhiệm vụ của ông Nam lần này sang Libya để phối hợp với Đại sứ quán tổ chức chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và đưa lao động Việt Nam về nước. Ông Nam đã lên đường sang Libya đêm 1/8.
Ba hướng di tản lao động
Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, sáng 4/8, 25 lao động đã được đưa ra khỏi Benghazi và di chuyển về biên giới Ai Cập. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã cử 4 cán bộ lên biên giới Ai Cập - Libya để đón và đưa về Cairo. Hiện, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước đã chỉ đạo doanh nghiệp mua vé máy bay cho số lao động này về nước.
Tính đến hết ngày 4/8, đã đưa được 209 người lao động rời khỏi Libya và về nước an toàn; 182/281 người lao động ra khỏi khu vực có xung đột ở Tripoli và Benghazi. Số còn lại đang được khẩn trương sơ tán trong vòng 48 giờ tới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, với các nhóm lao động ở các khu vực khác tại Libya, đã có phương án di chuyển. Việc di chuyển sẽ triển khai từ ngày 7/8 đến giữa tháng 8/2014 theo ba hướng chính: Đi đường bộ và hàng không về biên giới Ai Cập; đường bộ về biên giới Tunisia; đường thủy và đường không về Thổ Nhĩ Kỳ và Malta.
Do tình hình Libya diễn biến phức tạp, xung đột giữa các phe phái (xảy ra chủ yếu ở hai thành phố lớn Tripoli và Benghazi), Bộ LĐ-TB&XH đã tạm dừng việc đưa lao động sang làm việc tại Libya.
Theo đó, vào thời điểm giữa tháng 7/2014, Việt Nam có 1.750 lao động làm việc tại Libya (do 11 doanh nghiệp đưa sang). Trong đó, có 281 lao động làm việc tại 2 thành phố đang có xung đột là Tripoli và Benghazi.
Mở quỹ mua vé máy bay cho lao động
Trước tình hình căng thẳng hiện nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ - TB&XH tạm dừng đưa lao động sang Libya. Đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ -TB&XH có phương án, biện pháp bảo đảm an toàn tối đa cho người lao động.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị phương án và thời điểm đưa toàn bộ lao động Việt Nam tại Libya về nước khi tình hình diễn biến xấu. Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ- TB&XH sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để mua vé máy bay cho lao động về nước (đối với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả).
Theo Cục trưởng Quản lý lao động Ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguồn tiền chuẩn bị để mua vé cho người lao động (với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả) đã sẵn sàng. “Vấn đề là phải đưa hết lao động ra khỏi điểm nóng Tripoli và Benghazi an toàn, sau đó đưa lao động về nước”, ông Quỳnh nói.
Rút hết lao động Việt Nam khỏi Libya nếu diễn biến xấu
Hôm qua, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ, TB & XH và 12 doanh nghiệp phái cử lao động sang Libya đã chuẩn bị đưa các lao động Việt Nam ở gần các khu vực nguy hiểm về nước; trong trường hợp xảy ra những diễn biến xấu, phức tạp tại Libya, sẽ rút toàn bộ.Tính đến tối 5/8, còn khoảng 1.550 lao động Việt Nam đang làm việc tại 15 địa phương trên lãnh thổ Libya (Tripoli, Ghademesh, Jalut, Misrata, Sirte, Qubbah, Ras Lanuf, Naffora, El Sharara, Amal, Brega, Ajdadbya, Benghazi, Sebha, Ubari). Đa số lao động Việt Nam vẫn đang ở những khu vực chưa xảy ra chiến sự. Tính đến ngày 5/8, đã có 209 lao động Việt Nam rời Libya về nước an toàn và 182 lao động rời khỏi khu vực có xung đột là Tripoli và Benghazi.
Bộ Ngoại giao đã cùng Bộ LĐ, TB & XH chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria theo sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ với các công ty phái cử và sử dụng người lao động có các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn cho các lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại, đề nghị các nước phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để lao động Việt Nam quá cảnh về nước.
Lao động Việt Nam tại Libya hoặc thân nhân đang ở Việt Nam có thể liên lạc theo các đường dây nóng của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao +0084.918370497 hoặc +0084.948948458 để được trợ giúp.
Bình Giang
Cục quản lý Ngoài nước cho biết, tính đến hết ngày 4/8, đã đưa được 209 người lao động rời khỏi Libya và về nước an toàn; 182/281 người lao động ra khỏi khu vực có xung đột ở hai điểm nóng Tripoli và Benghazi. Số còn lại đang được khẩn trương sơ tán trong vòng 48 giờ tới.
VNA cho biết dự kiến sẽ có 3 chuyến chuyên cơ sang Cairo (Ai Cập) đón người lao động về nước, chuyến đầu xuất phát từ 9/8.