Nạn buôn bán ngà voi và nỗi đau đại ngàn-Kỳ cuối:

Thực thi pháp luật để bảo vệ loài voi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm qua, nhiều cơ quan chức năng phát hiện hàng chục nghìn hành vi vi phạm liên quan động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung và ngà voi nói riêng. Tuy vậy, nạn buôn bán hàng cấm trái phép vẫn công khai đầy thách thức.

Địa phương chưa phát hiện vi phạm

Sau khi khảo sát nhiều cơ sở trang sức vàng bạc, điểm bán hàng đặc sản truyền thống và ghi nhận có tình trạng bán các sản phẩm ĐVHD, ngà voi, nhóm phóng viên liên hệ với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai. Tại đây, chúng tôi được giới thiệu làm việc với 2 cán bộ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo thông tin mà đơn vị này cung cấp, thời gian qua, Gia Lai không có các tụ điểm buôn bán ĐVHD bởi người dân được tuyên truyền rất kỹ về các quy định, chế tài xử phạt nếu vi phạm.

Riêng các sản phẩm từ ĐVHD như ngà voi, một cán bộ cho biết, địa phương không có đàn voi nhà, thi thoảng 1 vài cá thể hoang dã di chuyển từ Campuchia sang Chư Prông rồi quay ngược về.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc buôn bán các sản phẩm từ voi trên địa bàn, một cán bộ quả quyết “Ở đây lấy đâu ra”. Còn việc phóng viên đề cập việc bày bán ở các tiệm vàng, vị này cho rằng, có thể hàng nhái, hàng giả và việc xử lý thuộc thẩm quyền của Quản lý thị trường, còn Kiểm lâm là lực lượng phối hợp. Vị này thừa nhận, trước đây cũng có cửa hàng vàng bạc đá quý lồng ghép vào nhưng lẫn lộn thật giả. Khi cơ quan chức năng kiên quyết xử lý 1 vài vụ, chủ tiệm sợ bị thu giấy phép hành nghề kinh doanh nên không bán nữa.

Theo một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, nếu phát hiện trường hợp buôn bán ngà voi, chưa biết hàng thật hàng giả, cơ quan chức năng sẽ niêm phong toàn bộ những sản phẩm nghi ngờ, sau đó tiến hành giám định để có căn cứ xử lý. Nhờ kiểm soát, tuyên truyền sâu rộng nên thời gian qua địa phương này chưa phát hiện trường hợp nào buôn bán ĐVHD nói chung và các sản phẩm từ ngà voi nói riêng.

Còn ông Nguyễn Trường Giang - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Gia Lai cho hay, lâu nay chưa phát hiện vụ nào liên quan đến buôn bán các sản phẩm từ ngà voi. Theo vị này, mới đây UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan trong đó có Cục Quản lý thị trường về công tác tăng cường quản lý ĐVHD trên địa bàn. Trong trường hợp phát hiện vi phạm thì phối hợp các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời. Tuy nhiên, qua 2 tuần triển khai, đơn vị này chưa phát hiện vi phạm.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Gia Lai, hầu hết các cuộc kiểm tra đều triển khai theo định kỳ. Trường hợp phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm, đơn vị mới kiểm tra đột xuất và phải phối hợp các lực lượng liên quan. Khi được một nhà báo khen về công tác thực thi chính sách pháp luật hiệu quả, nhiều năm trên địa bàn tỉnh không phát hiện vụ vi phạm nào, ông Giang nói: “Tôi không dám khẳng định là tốt hay không nhưng chúng tôi cũng làm hết phạm vi nhiệm vụ được giao chứ không làm quá được”.

Khi chúng tôi thông tin vừa phát hiện 1 cơ sở kinh doanh đặc sản truyền thống có bán ngà voi thật, thậm chí có cả khúc ngà nguyên khối và mong muốn hợp tác với Cục Quản lý thị trường để kiểm tra, ông Giang ghi nhận thông tin, lấy số điện thoại. Vị này nói sẽ trao đổi với Cục trưởng và sẽ liên lạc lại. Tuy nhiên từ khi ghi nhận tin báo tới nay hơn 1 tháng, chúng tôi vẫn chưa nhận bất kỳ thông tin phản hồi từ phía Cục Quản lý thị trường Gia Lai.

Không đánh trống bỏ dùi

Bà Bùi Thị Hà - Phó giám đốc, phụ trách Chương trình Chính sách và Pháp luật, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho hay, các quy định về xử phạt tội phạm về ĐVHD đã chặt chẽ, mức xử phạt cao. Minh chứng, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã tăng mức phạt tiền tối đa lên 2 tỷ đồng (Bộ luật Hình sự cũ 500 triệu đồng); tăng mức phạt tù tối đa lên 15 năm thay vì 7 năm như trước.

Thực thi pháp luật để bảo vệ loài voi ảnh 1

Con voi gắn liền với đời sống văn hóa của người dân Tây Nguyên

Bà Hà nhận định chế tài xử phạt tội phạm ĐVHD đã nghiêm khắc, có tính răn đe song thực trạng buôn bán phạm pháp trên vẫn xảy ra. Do đó, bà mong muốn lãnh đạo địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; các cơ quan chức năng cần thực thi pháp luật để ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm trên.

Nhiều năm theo dõi tiến trình xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm ĐVHD, bà Hà cho rằng, nếu đủ hồ sơ xử lý hình sự thì nên xử theo khung phạt tù giam thay vì tù treo. Bởi bà từng chứng kiến, có trường hợp sau khi bị xử án treo vẫn quay lại con đường kinh doanh mua bán ĐVHD. ENV mong muốn khi có bất cứ thông tin về ĐVHD, người dân hãy báo tin đến đường dây nóng miễn phí 18001522 để phối hợp xử lý.

Theo số liệu từ ENV, những năm gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật đã cương quyết đấu tranh, đưa ra xét xử nhiều vụ án liên quan đến tội phạm ĐVHD. Cụ thể, số vụ án đưa ra xét xử có quy mô tăng mạnh. Năm 2016 có 54 vụ đưa ra xét xử, đến 2021 lên đến 142 vụ. Tỷ lệ vụ án xét xử có đối tượng bị phạt tù cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, các vụ án áp dụng hình phạt tù và số đối tượng bị áp dụng hình phạt tù chiếm tỷ lệ cao (năm 2021, có 47,9% số vụ áp dụng án phạt tù; 89 đối tượng đối mặt với án tù).

Tại Đắk Lắk, trong 3 tháng đầu năm 2022, riêng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện xử lý hành chính 5 vụ vi phạm liên quan đến ĐVHD.

Ông Trương Văn Ty - cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho hay, Đắk Lắk cũng như một số địa phương khác trên cả nước có các cơ sở kinh doanh tại các điểm du lịch còn mua bán các sản phẩm có liên quan đến nguồn gốc ĐVHD (còng, nhẫn, móng các loại...).

Nhiều trường hợp cả người bán và người mua chưa nhận thức được chế tài xử lý vi phạm ở các khung hình phạt theo quy định pháp luật liên quan đến ĐVHD, nhất là người dân vùng gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng người dân tộc thiểu số.

Do đó, theo ông Ty, cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân về các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức. Có như vậy, công tác bảo tồn, ngăn ngừa tội phạm mới hiệu quả.

Thực thi pháp luật để bảo vệ loài voi ảnh 2

Ma lực từ ngà voi đẩy loài động vật thông minh vào nguy cơ tuyệt chủng

Thực thi pháp luật để bảo vệ loài voi ảnh 3

Nhóm ENV- Buôn Ma Thuột tuyên truyền bảo vệ ĐVHD

“Trước đây mình còn bỏ ngỏ, nếu làm mạnh thì người dân chấp hành thôi. Nếu vi phạm nhẹ bị xử phạt hành chính, nặng truy cứu trách hình sự.

Về thẩm quyền xử lý, cần sự phối hợp của các lực lượng liên ngành như công an, quản lý thị trường. Và quan trọng, chúng ta phải kiểm tra thường xuyên, không đánh trống bỏ dùi. Có như thế mới ngăn được tình trạng buôn bán ĐVHD”, ông Nguyễn Quốc Hưng- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Buôn bán ĐVHD vẫn tiếp diễn

Tại khóa Tập huấn báo chí điều tra về tội phạm ĐVHD do Hội nhà báo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp tổ chức cuối năm 2021, một cán bộ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an nhận định, tội phạm ĐVHD tiếp tục diễn ra trong thời gian tới bởi đời sống của người dân khu vực gần rừng còn nghèo, phụ thuộc vào rừng nên còn nạn săn bắt, buôn bán để mưu sinh.

Lợi nhuận từ buôn bán hàng cấm này rất lớn nên các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội. Xã hội còn chưa có thái độ phê phán gay gắt, mạnh mẽ đối với hành vi săn bắt, buôn bán hay sử dụng ĐVHD thì nhu cầu sử dụng ĐVHD làm thực phẩm, thuốc và đồ mỹ nghệ, trang sức của một bộ phận người dân còn tiếp tục tồn tại và gia tăng...

Do đó, lực lượng công an kiến nghị các đơn vị hữu quan tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền huy động toàn bộ hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi xâm hại đến ĐVHD trái phép; nhận diện các tuyến, địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển ĐVHD (biên giới, cửa khẩu, cảng biển) để phát hiện đường dây, tổ chức tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia; phối hợp đấu tranh với tội phạm buôn bán ĐVHD trên internet...

MỚI - NÓNG