Thực chất

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN.
TP - Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama không chỉ mang tính lịch sử mà còn thực chất. Tổng thống Obama đã trân trọng tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng - nơi thường dành cho các nguyên thủ quốc gia hoặc đứng đầu chính phủ.

Cuộc hội đàm này thực chất vì sáu lý do sau đây:

Thứ nhất, cả hai nhà lãnh đạo nhất trí phát triển quan hệ đối tác lâu dài trên cơ sở tôn trọng hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Thứ hai, cả hai nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ bằng cách tăng cường các chuyến thăm cấp cao và tạo các cơ chế thực hiện hợp tác trong 9 lĩnh vực lớn được vạch ra trong thỏa thuận đối tác toàn diện ký năm 2013. Việt Nam và Mỹ đã ký 5 biên bản ghi nhớ, bao gồm việc thành lập Đại học Fulbright mới.

Thứ ba, bản thân cả hai nhà lãnh đạo cam kết rằng, hợp tác với các quốc gia khác hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thực hiện các cải cách cần thiết để đạt được một hiệp định tiêu chuẩn cao.

Thứ tư, cả hai nhà lãnh đạo cam kết rằng, Việt Nam và Mỹ sẽ cùng nhau làm việc gần gũi hơn để đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương một cách song phương và thông qua các tổ chức đa phương khu vực như APEC và các định chế liên quan ASEAN.

Thứ năm, cả hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh trong lĩnh vực an ninh biển, nhận thức lĩnh vực biển, thương mại quốc phòng, chia sẻ thông tin và trao đổi công nghệ quốc phòng.

Thứ sáu, cả hai nhà lãnh đạo trực tiếp nêu ra những khó khăn và thách thức trong quan hệ song phương, như vấn đề quyền con người, quy chế kinh tế thị trường… và quyết định thực hiện các cuộc đối thoại chính trị mang tính xây dựng, thẳng thắn và tích cực để giảm bớt những khác biệt này và xây dựng lòng tin.

GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc)

MỚI - NÓNG