Thừa và thiếu

Thừa và thiếu
TP - “Official says beer bars are too hot in Vietnam” (tạm dịch: “Quan chức nói quán bia ở Việt Nam quá nóng”) là tít một bản tin của hãng AP, được rất nhiều tờ báo trên thế giới đăng lại như một tin đọc để mà cười chơi.

Cái cười mím chi rất ư là “ý nhị” về chuyện một dự thảo văn bản dưới luật của Bộ Công Thương Việt Nam yêu cầu quán bán bia không được nóng quá 30 độ C với lý do để “bảo vệ người tiêu dùng”.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng đưa ra những quy định cấm bán bia cho bà bầu, cho con bú, cấm bán bia ở vỉa hè, hoặc qua máy bán hàng tự động, online … để rồi gặp phải phản đối, lại rút.

Nhưng vì sao cứ lâu lâu, các cơ quan quản lý lại đưa ra những quy định “trời ơi” như thế? Có phải vì họ rảnh, hay yếu năng lực, hay vì những lý do nào đó chưa rõ?

Theo các nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ Tư pháp từng nêu, một trong những nguyên tắc quan trọng là tính khách quan. Rằng “pháp luật sinh ra do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, phản ánh đúng nhu cầu khách quan của xã hội, xuất phát từ thực tế cuộc sống, phù hợp với thực tế cuộc sống. Nhà làm luật không tự làm ra luật, họ chỉ ghi nhận những quy luật phát triển của xã hội bằng những ký tự được gọi là quy phạm pháp luật”.

Vậy xét từ đòi hỏi nào, của ai để người ta dẫn đến những quy định kiểu “ngực lép thì không lái xe”, “quán bia thì nhiệt độ không cao hơn 30 độ C”... Chắc chắn là không xuất phát từ nhu cầu của đa số người dân.

Một trong những nguyên tắc quan trọng khác của việc làm luật là phải đảm bảo tính khoa học, đòi hỏi quy định pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở những thành tựu khoa học mới nhất, và xây dựng pháp luật trên cơ sở khoa học chính là điều kiện để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả thực tế của các văn bản, quy phạm pháp luật. Và người dân có quyền đặt câu hỏi “vì sao lại là 30 độ C, cao hơn 30 độ C thì điều gì sẽ xảy ra, có liên quan gì đến chất lượng bia hay sức khỏe người uống bia hay không”?...

Đáng buồn là trong khi đầy rẫy những quy định và trong đó có cả những quy định “trời ơi”, hệ thống pháp luật của ta lại nhiều khi rơi vào tình trạng hoặc chưa đủ bao quát để điều chỉnh những vấn đề của cuộc sống, hoặc “luật thì có nhưng không xử được ai”. Đã có những tranh cãi trong xã hội về hàng loạt những hành vi gây hại xã hội của một số “đại gia” nhưng pháp luật lại có những lỗ hổng to tướng để “tạo điều kiện” cho kẻ xấu tung hoành.

Mới đây, báo chí thông tin về hàng loạt hành vi vô tư sử dụng, mua bán thông tin cá nhân, vi phạm quyền và lợi ích của nhiều người dân nhưng những kẻ trục lợi chưa bị sờ gáy, đơn giản là để xử lý, người dân phải chứng minh quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, điều không phải lúc nào cũng đơn giản với một người dân bình thường.

Vậy mới nói, thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu.

MỚI - NÓNG