“Quyền im lặng” và Cải cách tư pháp - Kỳ cuối:

Cần những quy định mang tính bắt buộc

Cơ quan điều tra vừa khởi tố cựu thẩm phán tòa tối cao kết án oan ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cơ quan điều tra vừa khởi tố cựu thẩm phán tòa tối cao kết án oan ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TP - Kết thúc loạt bài “Quyền im lặng”, Tiền Phong giới thiệu bài viết của luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, với những góp ý cụ thể nhằm phòng chống oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự.

Đây là thời điểm thích hợp

“Quyền im lặng” đã có từ lâu ở nhiều quốc gia, mục đích của nó là bảo đảm tối đa quyền con người. Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam chưa quy định cụ thể “quyền im lặng”, nhưng cũng không quy định nghĩa vụ khai báo của nghi can. Theo tôi, đây vẫn là khoảng trống pháp lý, tạo tiền lệ coi bị can, bị cáo không khai báo hoặc kêu oan là “ngoan cố”, “chối tội”.

Còn nhớ khi hội thảo về Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, chúng ta đã bàn đến việc thể chế hóa vai trò của luật sư vào luật, nhằm bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Và đã có nhiều ý kiến đặt ra là phải có cơ chế để bảo đảm quyền có luật sư của bị can, bị cáo, đó là họ có quyền im lặng, chờ sự hiện diện của luật sư… Những ý kiến này ngày ấy chưa được chấp nhận.

Theo tôi, thời điểm hiện nay khi Hiến pháp 2013 đã quy định các cơ quan tư pháp có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, và vấn đề tranh tụng lần đầu tiên đã được Hiến pháp quy định, thì việc bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nghi can được quyền im lặng để chờ luật sư chính là điều kiện cần, là luật hóa quyền có luật sư của người dân đã được Hiến định.

Luật sư đang quá ít?

Sự tham gia của luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự không chỉ giúp bị can, bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, mà còn góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, tránh để lọt tội phạm.

Tuy nhiên, hiện nay gần 80% số vụ án hình sự thiếu sự tham gia của luật sư. Số vụ án luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra còn quá ít, trong đó có cả những vụ án theo quy định pháp luật buộc phải có luật sư. 

"Việc bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự quy định nghi can được quyền im lặng để chờ luật sư chính là điều kiện cần, là luật hóa quyền có luật sư của người dân đã được Hiến định". 

Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Chiến
Vấn đề trên có nhiều nguyên nhân, có người cho rằng do thiếu luật sư. Những người trong nghề chúng tôi nhận thấy có nhiều luật sư còn thiếu việc làm, ngồi chờ việc. Việc luật sư chưa tham gia nhiều vào tố tụng hình sự có cả nguyên nhân bị can, bị cáo chưa nắm vững quyền của mình hoặc có khó khăn về tài chính.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nhiều cơ quan, cán bộ tiến hành tố tụng chưa tạo điều kiện để luật sư thực hiện đầy đủ chức năng tố tụng của họ, nhiều điều tra viên còn ngại luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra. 

Với số lượng luật sư như hiện có, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể thiết kế một hệ thống trợ giúp pháp lý đến tất cả các quận, huyện trên toàn quốc. Riêng với vùng sâu, vùng xa, có thể tận dụng thêm lực lượng cán bộ chức danh tư pháp đã nghỉ hưu tham gia công tác này.

Nếu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người nghèo, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cung cấp dịch vụ luật sư cho họ. Vấn đề là cơ chế, chính sách thế nào, chứ đổ lỗi cho lực lượng luật sư quá mỏng tôi cho rằng chưa đúng với tiềm lực của đội ngũ luật sư hiện nay.

Cải cách mạnh hơn nữa!

Để chống bức cung, nhục hình, ngoài “quyền im lặng”, tôi ủng hộ trang bị camera tại buồng hỏi cung và bắt buộc phải có luật sư có mặt trong quá trình xét hỏi. Còn một chuyện nữa, phó trưởng công an cấp huyện phụ trách công tác điều tra thường cũng là trưởng nhà tạm giữ - cách tổ chức này thiếu giám sát của bên thứ ba, nên rất khó bảo vệ tốt quyền của người bị giam giữ. 

Tôi cho rằng nên nghiên cứu tách cơ quan quản lý giam giữ độc lập hoàn toàn với CQĐT. Cùng với luật sư, kiểm sát viên, cán bộ quản lý công tác giam giữ phải có trách nhiệm giám sát điều tra viên trong việc tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra đối với người bị giam giữ, tạm giam. Nếu xảy ra bức cung, nhục hình, thì trước hết chính chủ thể có trách nhiệm quản lý giam giữ phải chịu trách nhiệm.

Nói cho cùng, chỉ khi có mặt luật sư trong việc hỏi cung thì tình trạng bức cung, nhục hình mới không thể xảy ra. Do đó, cần bổ sung một quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự: “Biên bản hỏi cung của CQĐT chỉ có giá trị là chứng cứ khi có sự hiện diện và chữ ký của luật sư”.

Đây có thể coi là tổng hợp của nhiều biện pháp đã được đề ra, và là một biện pháp hoàn toàn khả thi, mang tính thiết thực và dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.