Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về nguyên tắc xét xử độc lập của thẩm phán đã được nêu rõ trong Hiến pháp 2013, cụ thể thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, không bị bất kì chỉ đạo nào. “Nếu không đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, tòa không thể là người bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
“Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã kiểm tra kĩ để đảm bảo nguyên tắc này chưa. Nếu phát hiện có vấn đề vi phạm thì các đồng chí xử lý sao?", Chủ tịch Quốc hội hỏi.
“Về Quyết định 13 của Chánh án tòa án TP Hà Nội, chúng tôi đang tiến hành chỉ đạo kiểm tra, khi nào có kết luận sẽ báo cáo. Còn Chánh án TAND Hà Nội đã rút quyết định rồi”, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng xét xử phải thực hiện quyền tư pháp để đảm bảo thẩm phán độc lập, ngay cả tổ chức… Vì thế, vấn đề liên quan đến báo cáo án, báo cáo nghiệp vụ đều là một dạng của “án bỏ túi”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của thẩm phán.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý ngay “nhân việc đang bàn về luật này nếu như quyền tự bào chữa và nhờ người bào chữa và nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trước phiên tòa, nếu không đủ các nguyên tắc đó các đồng chí có mở phiên tòa không? Và trong quá trình điều tra cũng không đảm bảo các điều kiện đó, các đồng chí có dừng lại không?".
Báo cáo lại vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định vấn đề đảm bảo nguyên tắc tranh tụng sẽ được cụ thể hóa trong các luật tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế. Tuy nhiên, bước đầu tiên phải đảm bảo trong Luật tổ chức tòa án để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng theo đúng tinh thần Hiến pháp.
“Về vấn đề độc lập của thẩm phán, đây là nguyên tắc Hiến định. Hiến pháp 2013 đã quy định rõ và dự thảo luật đã thể hiện rõ. Dù vậy vẫn có nguyên tắc tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong nguyên tắc xét xử, chúng tôi sẽ chấp hành nguyên tắc này”, ông Trương Hòa Bình nói.
Luật sư phải được tham gia từ khi khởi tố
Tiếp tục trao đổi về dự án Luật tòa án nhân dân (sửa đổi), nhắc lại vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ, tòa án phải có thẩm quyền cao nhất trong hoạt động tố tụng, xét xử, phải tự tham gia điều tra, kiểm tra án ngay từ đầu để có thể xác định được công tác điều tra, truy tố trước khi chuyển hồ sơ sang tòa có đúng hay không chứ không phải nhận cáo trạng, thấy chưa ổn mới trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại.
“Như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, cũng là trả hồ sơ đi, trả hồ sơ lại mấy lần mà vẫn kết tội người ta như thế”, Chủ tịch Quốc hội nói. Theo Chủ tịch Quốc hội tòa án có chủ động điều tra mới đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử, quyền tối cao trong hoạt động tố tụng của tòa mà như khái quát đó là quyền tư pháp.
“Vừa mới đây, trong báo cáo về tra tấn, ép cung, nhục hình, khi giám sát đã nêu thực trạng “Vừa bắt vào đã làm người ta chết, chết xong lại bảo người ta tự tử”. Chỗ này các đồng chí phải bàn kỹ cả về tố tụng, điều tra, kiểm sát, luật sư”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, Chủ tịch Quốc hội rất bất bình khi nhắc đến vụ án Huỳnh Văn Nén đang được kháng nghị, “Có dấu chân tại hiện trường vậy, kích cỡ lệch nhau như vậy mà cơ quan điều tra còn không cần so lại với nghi phạm, không đo đạc, đối chiếu mà vẫn xử, để xảy ra oan sai, tù tội hơn 14 năm nay với một con người”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận muốn tránh oan sai, phải căn cứ vào Hiến pháp để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại tòa cũng như cho luật sư có mặt ngay từ đầu, “vì Hiến pháp đã quy định, nếu không các đồng chí sẽ vi hiến”.
Chánh tòa Hà Nội không được phép ra Quyết định 13
Về Quyết định số 13 của Chánh án TAND TP Hà Nội, Luật sư Nguyễn Đăng- Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ :“Giới luật sư cảm thấy buồn vì trong nhiều vụ việc người dân vẫn bảo có luật sư tham gia phiên tòa nhìn cho đẹp đội hình vậy thôi chứ chẳng có tác dụng gì. Họ nói không sai nếu vẫn còn tồn tại lệ “báo án”, “thỉnh thị án”, vì tòa cấp dưới đã xin chỉ đạo của tòa cấp trên rồi thì kết quả tranh tụng tại tòa không còn ý nghĩa gì”.
Hơn nữa, Chánh án TAND TP Hà Nội không có thẩm quyền ra loại văn bản quy phạm pháp luật như Quyết định số 13. Ngay cả Chánh án TAND Tối cao cũng không được phép ra văn bản làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.
Quyền im lặng: luật sư muốn có, công an nói không
Cho ý kiến về Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) Luật Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu “quyền im lặng” của bị can, bị cáo, nghi phạm về phía luật sư muốn có nhưng cơ quan điều tra không muốn có quyền này.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết bị can, bị cáo có quyền không khai cho tới khi có luật sư bên cạnh là quyền rất lớn được nhiều nước áp dụng. Nhưng ở ta ý kiến còn rất khác nhau nên cần có định hướng và Viện Kiểm sát chưa đưa quyền này vào dự thảo sửa đổi luật.