Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao 6 tháng đầu năm, Bến Tre tăng trưởng trên 6% và đóng góp cho cả nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, địa phương đầu tư nghiên cứu về dừa, ứng dụng công nghệ sinh học, khoa học môi trường… để nâng cao giá trị.
“Xây dựng Bến Tre trở thành thủ phủ dừa của Việt Nam, thủ phủ công nghiệp, bởi cây dừa không chỉ có thế mạnh mà còn làm giàu cho nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng, thủ phủ phải đi vào khác biệt có chất lượng cao, phải có giống dừa phù hợp, không để dừa thoái hóa, ít nhất có 20 – 30 sản phẩm về dừa và hướng sản phẩm đi vào chiều sâu.
Thủ tướng còn yêu cầu tập trung vào các giải pháp như: “Biến nguy thành cơ” trong thích ứng biến đổ khí hậu, do địa phương chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu. Vì thế, cần có cơ chế chính sách mới để thu hút đầu tư. Ngoài ra, phát triển kinh tế xã hội dựa trên hệ thống sông, biển là hướng đi quan trọng. “Quy hoạch gắn mô hình kinh tế tiềm năng về năng lượng sạch, hậu cần, du lịch”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng phát biểu
Công nhân sơ chế dừa
Công nhân vác dừa ở Bến Tre. Ảnh: Hòa Hội
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương có khí hậu khá ôn hòa, với sự phân hóa tương đối rõ rệt hai mùa mưa nắng và điều kiện thổ nhưỡng, có lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế vườn, với nhiều chủng loại cây trồng nổi tiếng như dừa, cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng các loại,...
Trong đó, dừa là cây trồng phổ biến, với khoảng 70.000 ha, giữ vị thế hàng đầu cả nước về diện tích, sản lượng và chất lượng. “Cây dừa chính là biểu tượng, là hình ảnh của tỉnh, bất cứ đến nơi đâu, nhìn thấy cây dừa là gợi nhớ đến Bến Tre”, ông Trọng nói.
Ông Trọng cho rằng, dừa cũng là loại cây đặc biệt, được sử dụng để sản xuất rất nhiều mặt hàng từ sản phẩm công nghiệp chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ đến mỹ phẩm, dược phẩm,… Do đó, dừa là thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh hàng đầu của nông nghiệp tỉnh nhà. Ngoài ra, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng,… cũng là những loại trái cây đặc sản, nổi tiếng của tỉnh, được ưa chuộng trên thị trường.
Ông cho rằng, trong thời gian qua, song song với thực hiện kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, UBND tỉnh đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Bến Tre hoạt động, sản xuất và kinh doanh, như: Hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu thông tin ban đầu, thực hiện các thủ tục đầu tư đến triển khai dự án; ban hành một số chính sách, quy định ưu đãi đầu tư trong và ngoài khu công nghiệp, ưu đãi đầu tư hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30-50% so với quy định; thành lập Tổ dịch vụ công hoạt động theo cơ chế một đầu mối tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế.
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đang triển khai và định hướng thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là:
Trước tiên, các nhà đầu tư sẽ có được môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, được tiếp cận bộ máy chính quyền “năng động - đổi mới - đồng hành cùng doanh nghiệp”. Thứ hai, Bến Tre có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, năng động, sáng tạo với hơn 70% dân số ở tuổi lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đang ở mức 52,1%, cơ bản cung ứng đầy đủ nguồn lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các dự án thâm dụng lao động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Thứ ba, Bến Tre có vùng nguyên liệu tập trung, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt đối với thủy sản, dừa, trái cây, cây giống,... Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất, góp phần kéo giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Thứ tư, đang thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư đối từng với dự án, theo lĩnh vực, địa bàn đầu tư, như: miễn - giảm tiền thuê đất; được hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tối đa 20% khi đầu tư vào hạ tầng CCN và tối đa 30% khi đầu tư vào hạ tầng KCN. Thứ năm, Bến Tre là một trong những địa phương tiên phong trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, cụ thể là Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp. Đây là nội dung được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhằm đưa tỉnh nhà trở thành địa phương khởi nghiệp của quốc gia khởi nghiệp và người dân Bến Tre sẽ có cơ hội xây dựng đời sống sung túc, tận hưởng cuộc sống hiện đại hơn.