Văn bản nêu rõ, ngay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được đề cập từ năm 2011, việc ứng dụng công nghệ đã được các nước trên thế giới cũng như Việt Nam chú trọng phát triển trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước.
“Vì vậy, trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, văn bản nhấn mạnh.
Với xu thế tất yếu, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản giấy trong hoạt động vận tải khách bằng xe hợp đồng trong thời hạn 2 năm (từ tháng 1/2016).
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ, thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép áp dụng với tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng đối với xe dưới 9 chỗ và các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ (hợp đồng điện tử) phối hợp với đơn vị vận tải.
Như vậy, việc thí điểm này không dành riêng cho Grab hay Uber mà được thực hiện cho các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.
Tuy nhiên qua xem xét báo cáo của Bộ GTVT và ý kiến của các Bộ, ngành, chuyên gia thực tế triển khai thí điểm trên có hạn chế phạm vi đối tượng khi chỉ áp dụng với các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Việc quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được thực hiện trực tiếp tại cơ quan của tỉnh, thành phố (Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho phương tiện, cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị kinh doanh, phương tiện để được cấp phù hiệu phải đáp ứng đã lắp thiết bị giám sát hành trình) qua đó đảm bảo được sự giám sát, quản lý từ cơ sở.
Có hạn chế và cần phải điều chỉnh
Về vấn đề quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, các địa phương cùng các Bộ, ngành cũng cần xem xét lại sự đáp ứng đồng bộ giữa quy hoạch và nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời cần đẩy mạnh việc tối ưu hóa trong tổ chức giao thông đô thị, qua đó ưu tiên tạo thuận lợi cho xe buýt, taxi, các phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay cho dùng phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông.
Đánh giá về việc thí điểm xe công nghệ hiện nay, Thủ tướng Chính phủ co rằng, việc thí điểm đều có những tác động tích cực hoặc tiêu cực. “Trong việc này, ngoài những kết quả tích cực như trên thì cũng cần nhìn nhận những hạn chế, phải điều chỉnh như: Có sự phối hợp sát sao hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương; việc tổ chức giao thông cần phù hợp hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ứng dụng mới; cần nhanh chóng bổ sung, hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp các quy định trong quản lý hoạt động vận tải, quản lý công nghệ, thuế…”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng thông báo, đến nay, ngoài Grab, Uber còn có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab và Uber, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh; cụ thể là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty Cổ phần Sun Taxi (S.CAR), Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (VIC.CAR), Công ty Cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển (HOME CAR), Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (M.car), Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch Linh Trang (Taxi Long Biên; LB.car).
Trước đó, ngày 3/7 báo Tiền Phong đã có bài phản ánh, trước thực tế hoạt động của xe công nghệ ĐBQH Dương Trung Quốc đã gửi ý kiến đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lãnh đạo Chính phủ trả lời các vấn đề về xe Grab, Uber. Một trong những vấn đề đại biểu Quốc quan tâm, muốn đại diện Chính phủ trả lời là việc gia tăng phương tiện không kiểm soát; sự bất bình đẳng khi chạy công nghệ chạy trên đường là “tàng hình". Từ thực tế này, ông Quốc cho rằng: “Đang nảy sinh xung đột lợi ích và nhất là xung đột với mục tiêu quản lý của nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông… Tóm lại, vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là: Chính phủ cho phép thử nghiệm Grab, Uber đến bao giờ, còn hệ lụy thì ai cũng có thể nhìn thấy trước?”.