Chậm trễ cải cách thủ tục đất đai:

Thủ tướng phê bình nhiều địa phương

Thủ tướng phê bình một số địa phương chậm trễ trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai. Ảnh: Như Ý.
Thủ tướng phê bình một số địa phương chậm trễ trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai. Ảnh: Như Ý.
TP - Sáng 26/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc làm việc với Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành hữu quan về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thủ tướng đã phê bình một số địa phương chậm trễ trong việc thực hiện cải cách TTHC về đất đai.  

Bộ TN&MT cho biết, đã công bố bộ TTHC trong lĩnh vực đất đai gồm 41 thủ tục đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp (giảm 30 thủ tục); 62 thủ tục đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp (giảm 9 thủ tục). Đồng thời đã rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hoặc công việc không cần thiết trong giao đất, cho thuê, cấp giấy chứng nhận. Thời gian thực hiện thủ tục đã giảm nhiều so với quy định trước đây đối với tất cả các thủ tục, đặc biệt đối với thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công,…

Trong lĩnh vực môi trường, hiện Bộ TN&MT đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa về trình tự, thành phần hồ sơ đối với 65 TTHC trong quá trình xây dựng, ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành Luật và các Nghị định...

Tuy nhiên, Bộ TN&MT cũng thừa nhận công tác cải cách TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ vẫn còn một số hạn chế. Nhiều lĩnh vực quản lý của Bộ có tính chất nhạy cảm, phức tạp; do vậy TTHC cho dù được cải cách từ nhiều năm nay nhưng kết quả giải quyết chưa được như mong đợi của người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể như trong lĩnh vực đất đai, việc công bố TTHC về đất đai của địa phương còn chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện còn 22/63 tỉnh, thành phố chưa ban hành bộ TTHC về đất đai. Trong lĩnh vực khoáng sản, giá tính thuế và khung thuế suất thuế tài nguyên không phù hợp với thực tiễn, tác động tiêu cực đến ngành khai thác, chế biến khoáng sản...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mục tiêu của cải cách TTHC không phải là bỏ vai trò quản lý nhà nước mà cải cách là để quản lý tốt, công khai, minh bạch đi liền với tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

“Muốn cải cách thủ tục hành chính thì phải hoàn thiện thể chế, luật pháp chứ không thể kêu gọi chung chung”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trước hết lãnh đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, các địa phương phải không ngừng nâng cao nhận thức, đề cao tinh thần trách nhiệm, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của mình. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định trong Luật, Nghị định, Thông tư theo hướng bãi bỏ những quy định không cần thiết, hoặc nếu giữ để quản lý thì phải đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch nhằm vừa quản lý tốt hơn, vừa tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. “Muốn cải cách thủ tục hành chính thì phải hoàn thiện thể chế, luật pháp chứ không thể kêu gọi chung chung”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện, thực thi pháp luật và cải cách TTHC; hợp nhất, liên thông trong quy trình xử lý TTHC. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc đi liền sơ kết, tổng kết, biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời chấn chỉnh, phê bình những đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ. Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã phê bình một số địa phương chậm trễ trong việc thực hiện cải cách TTHC về đất đai.       

22 tỉnh, thành phố chưa công bố bộ TTHC về đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 49 tỉnh, thành phố chưa đưa Văn phòng đăng ký đất đai một cấp đi vào hoạt động, trong đó 48 tỉnh, thành phố mới lập xong đề án và 1 tỉnh chưa lập đề án.
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.