Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khó khăn chỉ là tạm thời, niềm tin của DN cần được giữ vững

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0
TPO - "Khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, vững chắc. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, bạn bè quốc tế vẫn được giữ vững, tăng cường và củng cố" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 do Ban kinh tế Trung ương tổ chức sáng 6/12. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sự tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với Việt Nam và thế giới trong gần 2 năm vừa qua là hết sức nặng nề. Hiện, Việt Nam đã chủ động chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

"Mặc dù gần đây xuất hiện chủng mới Omicron, nhưng chúng ta cũng thấy rằng, chủng này xuất hiện, rồi sẽ có chủng khác xuất hiện. Rõ ràng, dự báo của cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế đều nêu rõ, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, và có thể còn tiếp tục xuất hiện những biến chủng khác. Đây cũng là quy luật của tự nhiên", Thủ tướng nói.

"Không ai muốn khó khăn, thách thức, nhưng khi có khó khăn, thách thức thì tinh thần đại đoàn kết càng được phát huy. Đó chính là Việt Nam” – Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo người đứng đầu Chính Phủ, điều quan trọng nhất là không mất cảnh giác, không chủ quan, đồng thời không hốt hoảng, lo sợ trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19. Sau một thời gian chống dịch, Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý dịch bệnh, chọn cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm. Chiến thắng đại dịch phải là chiến thắng của nhân dân. Không có người dân nào an toàn nếu còn có người dân khác mắc COVID-19.

Qua kinh nghiệm, Việt Nam rút ra được 3 trụ cột chính trong phòng, chống dịch: cách ly và giải toả; xét nghiệm; điều trị phù hợp, hiệu quả.

"Trên thực tế, khi chúng ta không có vắc xin, thuốc chữa bệnh, chưa dự báo hết được sự nguy hiểm của biến chủng, thì phải dùng biện pháp hành chính khắt khe, nghiêm ngặt nhất để chống dịch. Không còn cách nào khác. Khi dùng biện pháp hành chính, kinh tế tăng trưởng âm trong quý 3.

Ngược lại, khi ta có kinh nghiệm, có trụ cột, công thức chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, hơn 1 tháng vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội đã cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, an sinh xã hội vượt kế hoạch. Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu trở lại, thu hút FDI tăng, chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi lao động dần được nối lại", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.

Chính phủ đang hoàn thiện 2 chương trình quan trọng

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện 2 chương trình: phòng, chống dịch COVID-19, và phát triển kinh tế - xã hội. Hai chương trình này phải đi liền với nhau, hỗ trợ và tác động lẫn nhau.

Liên quan đến chương trình về phòng, chống COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh 2 điểm cần tập trung. Một là, hoàn thiện thể chế. Hai là, nâng cao năng lực y tế, bao gồm năng lực con người và cơ sở vật chất.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chậm nhất trong tháng 12 này, chúng ta phải đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân trên 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, cần tiêm vắc xin mũi tăng cường, tiêm vắc xin cho các cháu từ 12-18 tuổi, nghiên cứu các giải pháp và các cấp có thẩm quyền để tiếp tục tiêm vắc xin cho trẻ em ít tuổi hơn nữa".

Với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng chỉ ra 4 điểm quan trọng: y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp, và hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số.

"Tôi cũng khẳng định, hồi phục hay phát triển, thì nội lực vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài và có tính chất quyết định. Còn ngoại lực là quan trọng ở đột phá. Nội lực ở đây dựa trên 3 trụ cột chính: Con người, thiên nhiên, văn hoá và truyền thống lịch sử. Nguồn lực bên ngoài bao gồm: công nghệ, tiền vốn, khoa học quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", Thủ tướng kết luận.

Riêng về yếu tố công nghệ, Thủ tướng đặt vấn đề: "Vì sao trong những năm trước, thường chúng ta giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, về tiêm chủng chỉ với triệu người dân. Còn khi đại dịch xuất hiện, thì chúng ta phải xử lý cho hàng chục triệu người dân trong thời gian ngắn nhất có thể. Ví dụ, an sinh xã hội phải làm trong 1 tuần, hay chưa bao giờ có một chiến dịch tiêm chủng đối với 100 triệu dân phải hoàn thành với kế hoạch nhanh như vậy. Và như vậy, phải có công nghệ".

MỚI - NÓNG