Nhận diện trở ngại phục hồi sau dịch bệnh
Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19. Quá trình này phải đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.
Ông Tuấn Anh cho biết: “Việt Nam đang chịu tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19 đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lâu dài đến cả cung và cầu. Lần đầu tiên tăng trưởng quý 3 năm 2021 giảm sâu (- 6,17%) - đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay, ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 2-2,5%. Dự báo dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài, khó lường; nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp”.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng Công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn, điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
5 trọng tâm phục hồi kinh tế
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đã trình bày Khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch COVID-19. Mục tiêu của chương trình là khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu xoay quanh: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; An sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó, chính sách hỗ trợ sẽ tập trung thúc đẩy phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền. Vấn đề an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được quan tâm đặc biệt .
Ở nhóm giải pháp an sinh, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; tiếp tục rà soát, có chính sách hỗ trợ phù hợp người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh; cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập, cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.