Cấp thiết đưa ra chính sách hỗ trợ để phục hồi, phát triển kinh tế và xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các đại biểu tại buổi họp báo
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các đại biểu tại buổi họp báo
TPO - Chiều 2/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 - “Phục hồi và phát triển bền vững” và khai trương trang thông tin điện tử diễn đàn.

Đánh giá toàn diện thực trạng nền kinh tế

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, diễn đàn diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch COVID-19, ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Đáng lưu ý, tăng trưởng GDP Quý III năm 2021 giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn...

“Để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả về kinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn”, ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.

Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, diễn ra trong ngày 5/12. Thông qua diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.

Trên cơ sở đó, trọng tâm của diễn đàn tập trung đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch COVID-19 và kết quả; đồng thời làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch COVID-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của COVID-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh... từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Cũng tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường giới thiệu về website chính thức của diễn đàn với tên miền: diendankinhte.quochoi.vn. Website với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, là công cụ để Ban tổ chức tổng hợp, cung cấp các thông tin chính thống về diễn đàn không chỉ trong năm 2021 mà còn duy trì vận hành, cập nhật thông tin cho các kỳ tổ chức diễn đàn tiếp theo.

“Website sẽ cung cấp kịp thời các tài liệu, ảnh, video tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên, nhà báo khai thác, phục vụ công tác đưa tin về diễn đàn đảm bảo tính thời sự, chính xác, đầy đủ và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước cũng như của các cơ quan, tổ chức nước ngoài về các vấn đề kinh tế, xã hội của Việt Nam và thế giới”, ông Bùi Văn Cường chia sẻ.

Cần gói hỗ trợ đủ lớn, xác định trọng tâm ưu tiên

Trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, cần phải đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn mới đủ tác dụng, còn mức độ cụ thể nào cần phải tính toán. Theo ông Tuấn, hiện một số lĩnh vực còn không gian để tận dụng, ví dụ trần nợ công hiện còn nhiều dư địa. Dư địa này không nên quá tận dụng, vì có thể dẫn đến hệ luỵ về lạm phát, nhưng cũng phải tính toán đến.

Câu hỏi đặt ra là gói hỗ trợ chi vào đâu? Có ưu tiên không? Viện trưởng Bùi Quang Tuấn khẳng định, phải xác định có ưu tiên, từ vấn đề y tế dự phòng, y tế cơ sở, đến hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp… “Đây là vấn đề kinh tế và xã hội, nên phải rà soát các trọng tâm”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Trên cơ sở đó, theo ông Tuấn, cần chia ra làm 2 mục tiêu ngắn hạn để giải quyết vấn đề trước mắt và mục tiêu có tính dài hạn trên cơ sở rà soát các trụ cột phát triển kinh tế. Trong ngắn hạn, trọng tâm trọng điểm phải hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở giảm thuế, phí, nếu chỉ hoãn thì không đủ.

“Doanh nghiệp cầm cự đến giờ phút này cũng oải lắm rồi, nếu không hỗ trợ sẽ 'hy sinh' nhiều, không chỉ doanh nghiệp yếu mà ngay doanh nghiệp khoẻ cũng rơi vào khó khăn, phá sản”, nhấn mạnh điều này, ông Tuấn cho rằng, chính sách tín dụng với doanh nghiệp rất quan trọng. Nhiều khi giảm thuế thì không đủ, vì doanh nghiệp không có doanh thu, điều quan trọng làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng, tạo môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, cần hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực khác như chuyển đổi số, tiếp cận lao động… Trong đó, người lao động là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề, là nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng, nhưng do dịch bệnh phải di chuyển trở về quê, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nên phải hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực.

Diễn đàn được chia thành 2 phiên: Phiên toàn thể buổi sáng – Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”; phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề: Chuyên đề 1 về “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, và chuyên đề 2 về “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

MỚI - NÓNG