Đã có 20 nước tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi
Sáng 5/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp để tiếp tục thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay tổng số vắc xin đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng hơn 200 triệu liều. Đến hết ngày 3/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều, trong đó có gần 71,5 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước và hơn 79 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, việc xuất hiện biến chủng mới Omicron đã làm dịch bệnh trên thế giới càng diễn biến phức tạp và khó lường, khó dự báo hơn. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy hiệu lực bảo vệ của các loại vắc xin đã được cấp phép vẫn cao và các hãng đang tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm và nâng cao hơn nữa hiệu lực bảo vệ.
Trước biến chủng mới, ông Vũ cho biết, nhiều nước triển khai quyết liệt trở lại các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nước triển khai và đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi thứ 3. Đã có hơn 20 nước tiêm vắc xin cho trẻ em từ 3-11 tuổi, trong đó có nhiều nước phát triển. WHO khuyến cáo rằng việc tiêm cho trẻ em từ 3- 11 tuổi có lợi ích cao hơn rủi ro, tuy nhiên, nên ưu tiên cho người già và người có bệnh nền, khi đã đủ vắc xin thì tiêm cho trẻ em.
Về thuốc điều trị, tính đến ngày 2/12, Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu sử dụng và tiến hành phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương các loại thuốc gồm Remdesivir (đã phân bổ hơn 514.000 lọ); Favipiravir (có quyết định phân bổ 2 triệu viên); Casirimab + Imdevimab (170 lọ thuốc); thuốc Molnupiravir đang được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt…
Đánh giá các sự cố sau tiêm vắc xin khách quan, trung thực
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 hết sức chi tiết, cụ thể về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vắc xin…, tránh bị động, lúng túng và phù hợp với kế hoạch/chương trình tổng thể phòng chống dịch.
Về lộ trình, Thủ tướng yêu cầu, phấn đấu chậm nhất trong tháng 12/2021 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát lại các đối tượng chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đạt mục tiêu này. Đồng thời, có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho người từ 12- 18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vắc xin, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.
Thủ tướng cũng giao các cơ quan rà soát lại việc vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin, đánh giá các sự cố xảy ra sau tiêm vắc xin, bảo đảm khách quan, trung thực, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân yên tâm tiếp tục tiêm và không phân biệt đối xử các loại vắc xin đã được cấp phép.
Về thuốc chữa bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan liên quan bám sát, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, cấp phép…
Bộ Y tế chủ động dự báo nhu cầu về số lượng, loại thuốc điều trị COVID-19 cho cả nước để có phương án mua, kể cả mua tập trung và phân bổ, sử dụng phù hợp với yêu cầu điều trị, bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chống lãng phí; đối với các loại thuốc thiết yếu phải có cơ số dự phòng cho tình huống dịch diễn biến xấu.
Đối với sản xuất vắc xin và thuốc trong nước nói chung, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan cần tích cực triển khai, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, kể cả hỗ trợ tài chính, cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước trên nguyên tắc bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.