Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh từ chức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh vừa tuyên bố từ chức, trong bối cảnh Chính quyền Palestine đang nỗ lực vận động ủng hộ để đóng vai trò lớn hơn ở Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc.
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh từ chức ảnh 1
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh chủ trì một cuộc họp nội các ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây ngày 26/2. (Ảnh: Reuters)

Quyết định được đưa ra vào thời điểm Mỹ đang gây áp lực lên Tổng thống Mahmoud Abbas phải cải tổ chính quyền nhằm xây dựng một cấu trúc chính trị để quản lý Dải Gaza sau xung đột.

Quyết định từ chức của ông Shtayyeh cần được ông Abbas chấp nhận. Tổng thống có thể yêu cầu ông Shtayyeh tiếp tục công việc cho đến khi bổ nhiệm thủ tướng tiếp theo.

Được thành lập khoảng 30 năm trước theo hiệp định hòa bình tạm thời ký ở Oslo, Chính quyền Palestine đối mặt với những cáo buộc về hoạt động kém hiệu quả và tham nhũng, và thủ tướng nắm giữ rất ít quyền lực thực tế.

Tuy nhiên, sự ra đi của ông Shtayyeh đánh dấu thay đổi mang tính biểu tượng, cho thấy quyết tâm của Tổng thống Abbas trước quốc tế ngày càng gia tăng về việc phải thành lập một nhà nước Palestine tồn tại bên cạnh Israel.

Vốn là một nhà kinh tế hàn lâm, ông Shtayyeh nhậm chức thủ tướng năm 2019. Trong một tuyên bố với nội các, ông nói rằng chính quyền kế nhiệm sẽ cần tính đến thực tế mới ở Dải Gaza, nơi đã bị tàn phá sau gần 5 tháng giao tranh ác liệt.

Ông cho rằng giai đoạn tiếp theo sẽ "đòi hỏi những thỏa thuận mới về chính trị và chính phủ, trên cơ sở thực tế đang nổi lên ở Dải Gaza, các cuộc đàm phán về đoàn kết dân tộc và nhu cầu cấp thiết phải đạt được sự đồng thuận giữa các cộng đồng người Palestine".

Ngoài ra, thực tế mới cũng đòi hỏi "mở rộng quyền lực của chính quyền đối với toàn bộ vùng đất của người Palestine", ông nói.

Người kế nhiệm ông Shtayyeh chưa được bổ nhiệm, nhưng ứng viên nổi bật nhất hiện nay là ông Mohammad Mustafa, cựu quan chức Ngân hàng Thế giới và hiện là chủ tịch Quỹ Đầu tư Palestine (PIF). Ông có kinh nghiệm tái thiết Dải Gaza sau cuộc chiến trước đó năm 2014.

Chính quyền Palestine có quyền quản lý hạn chế ở Bờ Tây, nhưng đã mất quyền lực ở Dải Gaza sau cuộc đấu tranh phe phái với Hamas năm 2007.

Chính quyền Palestine được đánh giá là suy yếu nhiều trong những năm qua, nhưng vẫn là bộ máy lãnh đạo duy nhất được cộng đồng quốc tế công nhận.

Các nhà lãnh đạo Palestine cho biết, khả năng quản lý của họ bị Israel cản trở, trong đó có việc khấu trừ các khoản thu thuế theo hiệp định Oslo. Trong nhiều tháng, họ không thể trả đầy đủ tiền lương cho những người làm việc trong bộ máy vì Bộ Tài chính Israel từ chối giải ngân một phần quỹ.

Phản ứng trước thông tin ông Shtayyeh từ chức, ông Sami Abu Zuhri, một quan chức cấp cao của Hamas, nói với Reuters: “Việc chính phủ Shtayyeh từ chức chỉ có ý nghĩa nếu diễn ra trong bối cảnh cả nước đồng thuận về giai đoạn tiếp theo”.

Israel thề sẽ tiêu diệt Hamas và nói rằng vì lý do an ninh, họ sẽ không chấp nhận Chính quyền Palestine quản lý Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc.

Cơ quan y tế Dải Gaza cho biết, gần 30.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở vùng đất này và gần như toàn bộ người dân đã phải rời bỏ nhà cửa.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG