Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, An Giang được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TPHCM, TP. Cần Thơ và TP. Phnom Penh (Campuchia). Đồng thời, là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, của các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN.
An Giang có thế mạnh về nông nghiệp và du lịch. Trong đó, lúa, gạo chính là sản phẩm nông nghiệp chủ lực với diện tích canh tác trên 250.000 ha, sản lượng lúa đạt khoảng 3,89 triệu tấn/năm. Mô hình cánh đồng lớn đang được trồng 22.000 ha.
Với địa hình sông nước của An Giang, thủy sản được xem là thế mạnh thứ hai của tỉnh sau cây lúa, trong đó chủ lực là cá tra, cá basa. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 2.700 ha, hàng năm cung cấp cho chế biến xuất khẩu trên 379.000 tấn/năm.
Để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh đã ban hành các quy định, các cơ chế để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30-50% so với quy định; Hỗ trợ hồ sơ, thủ tục đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông. Đồng thời, luôn duy trì cơ chế đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp; thực hiện nghiêm cơ chế giám sát và xử lý nhũng nhiễu của công chức và bộ máy các cấp và mạnh dạn ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả mà tỉnh An Giang đạt được trong thời gian qua. Theo thủ tướng, An Giang có vị trí đầu nguồn, cũng như sức bật của vùng. Đồng thời, có 2 nhánh sông tiền, sông hậu được thiên nhiên tạo phù sa, không những là vựa cá, lúa chiến lược mà tỉnh đang tích cực thu hút đầu tư, phát triển thương hiệu toàn cầu. Bên cạnh đó, An Giang còn là 1 trong 4 tỉnh dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của vùng. Vì thế, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh công nghệ để làm sao tương xứng với tiềm năng.
Thủ tướng cho rằng, về tiềm năng lợi thế thì không bàn cãi mà làm sao có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư để tạo ra của cải, tăng thu nhập cho người dân. Vì thế, cần có sự chung tay của các các cấp chính quyền và các bên có liên quan.
Tại hội nghị đã kết nối thành công với 26 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là trên 27.600 tỷ đồng. Đồng thời kết nối cơ hội cho 05 đề xuất cam kết ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 35.500 tỷ đồng và 4 biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 69.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, An Giang tiếp tục mời gọi đầu tư cho 60 dự án trong một số lĩnh vực như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Cũng trong hội nghị, Quỹ an sinh xã hội của tỉnh tiếp nhận số tiền trên 34 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân.