Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT An Giang cho biết từ ngày 01/01 đến ngày 03/12/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 58 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài sạt lở 2.683m, ảnh hưởng đến 125 căn nhà, trong đó có 5 nhà sụp hoàn toàn và 11 căn bị sụp một phần xuống sông, ước thiệt hại về đất gần 6,2 tỷ đồng.
Theo kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông của Sở TN&MT cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có 51 đoạn thuộc diện cảnh báo. Tổng chiều dài các đoạn nguy cơ sạt lở hơn 160km (trên tổng số 400km đường bờ), gây ảnh hưởng cho hơn 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.
Thành lập Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp
Về giải pháp thời gian tới, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập “Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp” thuộc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, với nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh và huyện trong công tác ứng phó và khắc phục sạt lở.
Đối với các điểm sạt lở khẩn cấp, thực hiện gia cố ngay để hạn chế sạt lở tiếp và thiệt hại người, tài sản, công trình hạ tầng. Trong đó, có phân cấp xử lý sạt lở theo thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện theo phân cấp quản lý và nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện.
Chỉ thực hiện giải pháp kè chống sạt lở để bảo vệ các công trình quan trọng (đê cấp III trở lên và đe dọa trực tiếp đến an toàn đê, các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm y tế…). Đối với các khu vực không quan trọng thì không thực hiện giải pháp kè.
Do nguồn vốn khó khăn nên việc đầu tư đồng thời các cụm, tuyến dân cư từ nguồn ngân sách địa phương trong giai đoạn này không cân đối được. Trên cơ sở xác định thứ tự ưu tiên, các ngành thống nhất đề xuất UBND tỉnh trình Trung ương xem xét hỗ trợ...