Thủ tướng: Lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất.
TPO - “Từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất đến các tầng lớp xã hội phải khắc phục bệnh thành tích, giả dối, sống hai mặt, củng cố niềm tin vào những mặt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về giải pháp đột phá để xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định vấn đề phát triển con người toàn diện là một trong những nhiệm vụ tổng quát của giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Thủ tướng, đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để. Trong đó, cần chấn chỉnh đạo đức xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ. Cụ thể, khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm.

“Từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách, phẩm chất đến các tầng lớp xã hội phải khắc phục bệnh thành tích, giả dối, sống hai mặt, củng cố niềm tin vào những mặt tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; mọi người đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm”, Thủ tướng nêu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục, trường học trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa. Trên cơ sở đó, ngành giáo dục cần đổi mới phương pháp, nội dung hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Đồng thời, đề nâng cao trách nhiệm của báo chí, thông tin truyền thông trong đấu tranh phòng và chống suy thoái đạo đức, lối sống, báo chí cần định hướng, tạo làn sóng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông về việc chống suy thoái đạo đức, lối sống; đi đầu trong biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phát hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội.

Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, hướng tới mục tiêu việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động; có chính sách thu hút nhân tài; tuyển dụng, đánh giá, đãi ngộ, bổ nhiệm theo năng lực và phẩm chất cá nhân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, cần đề cao vai trò giáo dục, cảm hóa của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Phấn đấu có những bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức. Phát huy tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, ý thức công dân của đội ngũ văn nghệ sỹ.

Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả của các thiết chế văn hóa - thể thao, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng, phong trào văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của nhân dân. Lấy môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú đẩy lùi nguy cơ con người sa vào các tệ nạn xã hội hay tha hóa về đạo đức, lối sống. Tiếp tục thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí đạo đức, quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực như: du lịch, đào tạo, văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp...

Đồng thời kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trong lĩnh vực văn hoá, nhất là các sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.

MỚI - NÓNG