Chủ tịch Hà Nội lên tiếng về quy định 'không ghi hình cán bộ tiếp dân'

Trụ sở Tiếp công dân thành phố Hà Nội. Ảnh: Trường Phong
Trụ sở Tiếp công dân thành phố Hà Nội. Ảnh: Trường Phong
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung có những trao đổi xung quanh quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. "Do đó, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận", ông Chung nói.

Theo ông Chung, trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. “Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”, ông Chung nói thêm.

Lý giải tại sao có  quy định này, người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cho hay, nhằm “chống tình trạng  một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác”.

Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký văn bản quyết định ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố. Trong nội quy ghi rõ: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Trao đổi thêm về nội quy này, đại diện lãnh đạo Ban Tiếp công dân thành phố Hà Nội cho biết, nội quy này được thành phố ban hành dựa trên quy định tại Điều 12 của Luật Tiếp công dân, cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Vị này cũng lý giải, nhiều trường hợp công dân đến trụ sở tiếp công dân giơ máy điện thoại dí sát vào mặt cán bộ tiếp công dân, thậm chí vừa trình bày với cán bộ tiếp công dân vừa phát trực tiếp trên mạng xã hội. Hơn nữa, những người này đến với mục đích không thiện chí, không phải đòi hỏi quyền lợi, trình bày, khiếu nại, tố cáo, phản ánh...

Theo đại diện lãnh đạo Ban Tiếp công dân thành phố, nội quy nói trên không làm hạn chế bất cứ quyền gì của công dân. Cụ thể, cán bộ tiếp công dân chỉ tiếp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền của mình, ghi nhận ý kiến, phản ánh của công dân. Sau khi tiếp công dân xong đều có phiếu tiếp nhận đơn, biên bản đàng hoàng.

 “Mục đích của nội dung quy định này là ngăn chặn các trường hợp cực đoan, những người đến không phải vì thực hiện quyền của mình theo luật tiếp công dân mà có mục đích tuyên truyền ra bên ngoài, nói xấu, gây ức chế cho cán bộ”, vị này khẳng định.

Trong khi đó, Trưởng Ban Tiếp Công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp cho biết việc ban hành nội quy tiếp công dân là quyền của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước. Ngay tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, nội quy cũng quy định rõ "không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân T.Ư, cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân”.

Ông Điệp cho biết, quy định này là đúng vì vừa để bảo vệ người dân, vừa bảo vệ cán bộ tiếp dân.

“Người dân có quyền giám sát, cá nhân tôi cũng cho rằng người dân nên giám sát để cán bộ làm công tác tiếp dân cẩn thận, có thái độ đúng mực, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng hạch sách, quát nạt người dân. Nhưng cũng cần phải bảo vệ cán bộ tiếp dân. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng”, ông Điệp nói.

Theo ông Điệp, thực tế, có những người dân vì bức xúc mà lăng mạ, dọa nạt cán bộ tiếp dân. “Nếu lúc đó lại có những người có động cơ không trong sáng vào trụ sở để quay phim đưa lên mạng thì sẽ bảo vệ cán bộ tiếp công dân thế nào được”, ông Điệp lý giải.

Ông Điệp lưu ý thêm, tại trụ sở tiếp dân, có rất nhiều vụ việc người dân đến để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà lại bị quay phim, chụp ảnh, phát trực tiếp thì không chỉ ảnh hưởng đến cán bộ tiếp dân, ảnh hưởng đến người dân đi tố cáo mà còn vi phạm luật.

Cho nên, chỉ khi được sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thì người dân đến Trụ sở mới được quay phim, chụp ảnh, ghi âm.

“Nếu một Trụ sở mà ai cũng vào được, ai vào cũng được phát trực tiếp đưa lên mạng internet hay cố tình lợi dụng sự giám sát để quay phim, có hành động thách thức cán bộ thì làm sao đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan Nhà nước”, ông Điệp nói.

Ông Điệp cũng nói thêm, khi cán bộ tiếp dân mà lúc nào cũng bị ghi âm, ghi hình, chụp ảnh thì sự tương tác, gần gũi giữa cán bộ tiếp dân với người dân sẽ có khoảng cách vì “luôn luôn phải giữ ý nhau”.

“Quan trọng là, cán bộ tiếp dân phải làm sao để người dân không cảnh giác mình, không cần phải ghi âm, chụp ảnh”, ông Điệp nói, đồng thời chia sẻ, bản thân ông trước những vụ việc như vụ Thủ Thiêm, ông đều đồng ý để người dân ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.