Thu tiền tỷ rồi bỏ rơi người lao động

Nhiều lao động từ các tỉnh, thành vật vờ tại cổng các cơ quan chức năng để đề nghị giải quyết
Nhiều lao động từ các tỉnh, thành vật vờ tại cổng các cơ quan chức năng để đề nghị giải quyết
TP - Vừa được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Công ty Cổ phần đầu tư Huệ Tuân (gọi tắt Cty Huệ Tuân) đã giở nhiều chiêu trò lừa hơn 200 lao động nghèo.   

Suốt mấy tháng nay, hàng trăm lao động từ khắp các tỉnh, thành đổ xô về Hà Nội vật vờ trong cảnh đòi nợ. Theo phản ánh của người lao động, số tiền mà họ vay mượn, tích cóp bao năm nay đang bị ông Vũ Minh Tuân, Tổng Giám đốc Cty Huệ Tuân chiếm giữ.

Anh T.B.L (34 tuổi, Nghệ An) cho biết, ngày 15/3/2019, anh tham gia chương trình tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản do Cty Huệ Tuân giới thiệu. Để tham gia thi các đơn hàng, mỗi lao động phải đóng trước 10 triệu đồng cho công ty. Vào thời điểm này, Cty Huệ Tuân chưa được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt giấy phép). Tuy nhiên, để tạo sự tin tưởng, ông Vũ Minh Tuân tự giới thiệu là chồng của bà Nguyễn Thị Huệ, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần đầu tư quốc tế Nhật Việt JVJSC (số 7, ngõ 27 đường Nguyễn Khả Trạc, Cầu Giấy, Hà Nội), đơn vị uy tín trong ngành đã được cấp phép.

 “Tuân dựng biển hiệu là chi nhánh của Cty Nhật Việt tại văn phòng số 8 Nguyễn Khả Trạc để tiếp khách và tuyển lao động”, anh L cho hay. Đến ngày 25/3/2019, anh L nộp gần 63 triệu đồng cho công ty và được cam kết sau 6 tháng sẽ xuất cảnh.Tuy nhiên, sau khi học xong tiếng Nhật, anh được thông báo không được lưu trú.

“Ban đầu, công ty hứa sẽ hoàn trả số tiền đã nộp trong tháng 11/2019. Nhưng từ đó đến nay, công ty hẹn nhiều lần vẫn không giải quyết.Khi tôi đòi lại tiền, ông Tuân trốn tránh, không giải quyết”, anh L bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 12/2018 đến nay, có gần 100 lao động đóng tiền cho Cty Huệ Tuân để đi làm việc tại Nhật Bản nhưng không thể xuất cảnh được. Họ mòn mỏi đi đòi tiền hết tháng này đến tháng khác.

Phủi trách nhiệm

Anh L.C.Đ (Ân Thi, Hưng Yên) cho biết, đầu tháng 10/2019, anh đăng ký tham gia chương trình tuyển dụng đi làm việc tại Slovakia - Ba Lan với ngành nghề hàn xì. Mức lương 8-12 USD/giờ.

Sau khi tham gia thi tay nghề tại Trường trung cấp nghề công trình 1 (Sóc Sơn, Hà Nội), công ty nhanh chóng thông báo trúng tuyển và yêu cầu anh nộp 70 triệu đồng. Vẫn sử dụng  bài cũ, công ty cam kết sau 6 tháng sẽ đưa lao động xuất cảnh. Nếu không sẽ hoàn trả hồ sơ và  số tiền mà người lao động đã nộp.

Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ xin visa tại Đại sứ quán Ba Lan và bị từ chối vào tháng 3/2020, anh Đ và nhiều lao động khác tiếp tục bị Cty Huệ Tuân chiếm giữ toàn bộ số tiền đã đóng.

 “Chúng tôi liên hệ với nhân viên công ty, họ bảo đã bàn giao hết cho ông Vũ Minh Tuân và nghỉ việc nên không liên quan nữa.Ông Tuân thì nói: Lao động nộp tiền cho ai, đi đòi người đó”, anh Đ bức xúc nói.

Nhiều lao động cho biết, để có tiền đi làm việc ở nước ngoài, họ phải đi vay mượn khắp nơi. Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến cuộc sống trở nên khó khăn, túng quẫn, gặp cảnh công ty thất hứa, nhiều lao động rơi vào kiệt quệ, bần cùng hơn. Nhiều người đã đâm đơn kiện tới các cơ quan chức năng.

Ngày 15/9/2020,ông Tuân mời tất cả nhân viên công ty và người lao động đến để đối thoại. “Những tưởng, công ty sẽ đưa ra phương án giải quyết cho người lao động nhưng ông Tuân lại đưa một số người lạ mặt, xăm trổ đến để dọa lao động. Những người này còn đánh một lao động nữ và đập bàn ghế quát tháo suốt cuộc họp. Cuối cùng, buổi gặp không đưa ra được bất cứ phương án xử lý nào”, anh Đoàn nói.

Đến nay, có gần 200 lao động đã đóng gần 4 tỷ đồng cho Cty Huệ Tuân để sang Ba Lan làm việc nhưng không lấy lại được. Tất cả hóa đơn đều có chữ ký xác nhận của ông Tuân, cũng như dấu đỏ của Cty Huệ Tuân.

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Huệ, Tổng Giám đốc Cty cổ phần đầu tư quốc tế Nhật Việt JVJSC xác nhận là vợ của ông Vũ Minh Tuân. Bà Huệ cho biết, trước đây ông Tuân có một thời gian phụ trách tại Cty Nhật Việt JVJSC.Tuy nhiên, trong thời gian này, ông Tuân có nhiều việc làm không chấp hành quy định của công ty nên từ tháng 11/2018, công ty đã chấm dứt hợp đồng.

“Việc ông Vũ Minh Tuân ra ngoài tuyển lao động, chúng tôi không biết. Công ty cũng không có chi nhánh nào tại số 8 Nguyễn Khả Trạc. Trường hợp ông Tuân làm sai, chúng tôi ủng hộ cơ quan chức năng xử lý”, bà Huệ nói. 

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đã nhận được đơn tố cáo của người lao động liên quan đến Cty Huệ Tuân. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và Cục đang phối hợp điều tra, làm rõ.

MỚI - NÓNG