Thu tiền đường thủy, làm thủy điện trên sông Hồng có dễ?

Nhiều người lo lắng về môi trường, thủy văn khi biến sông Hồng thành đập chứa và nhà máy điện. Ảnh: Phạm Thanh
Nhiều người lo lắng về môi trường, thủy văn khi biến sông Hồng thành đập chứa và nhà máy điện. Ảnh: Phạm Thanh
TP - Với dự án chi 24.510 tỷ đồng để cải tạo luồng lạch và làm thủy điện trên dòng sông Hồng, đại diện Bộ KH&ĐT nói rằng: “Phải nghiên cứu kỹ lưỡng thủy văn, dòng chảy, không chỉ nói khơi là khơi, hút là hút như người ta hút cát”.

Nghiên cứu bước đầu

Cty TNHH Xuân Thiện (thuộc Tập đoàn Thái Group, trước là Tập đoàn Xuân Thành) vừa có đề xuất gây “sốc”, khi đề nghị được chi 24.510 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD) để cải tạo luồng lạch và làm thủy điện trên dòng sông Hồng. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết, dự án đang giai đoạn đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu. 

Khi nào giai đoạn tiền khả thi, khả thi sẽ nghiên cứu kỹ càng, đánh giá cụ thể. Theo ông Tự, trước khi Bộ KH&ĐT có văn bản báo cáo Chính phủ đã xin ý kiến các bộ ngành liên quan. 

“Trong văn bản trả lời, các bộ ngành cơ bản ủng hộ cho doanh nghiệp nghiên cứu sâu hơn. Nghiên cứu cũng cần thiết vì nhiều năm qua đã và đang chỉnh trị sông Hồng, chống bồi lấp”, ông Tự nói. Với dự án thủy điện đi kèm, theo ông Tự, nếu có cũng chỉ dự án thủy điện mực nước thấp.

Về những lo ngại ảnh hưởng tới môi trường, bồi lắng, xâm nhập mặn trên sông Hồng, ông Tự cho rằng, đó là những lo ngại chung, Bộ KH&ĐT đã nghĩ tới. Tuy nhiên, những vấn đề đó sẽ bàn ở giai đoạn sau, khi Chính phủ cho nghiên cứu sâu hơn. Khi nhà đầu tư nghiên cứu có đánh giá tác động môi trường, các bộ ngành sẽ xem ảnh hưởng của công trình ra sao, có chấp nhận được không? 

Theo ông Tự, ai cũng đồng ý khơi thông dòng chảy, nhưng khơi dòng ra sao, ở mức độ nào để không gây xói lở bờ sông sẽ phải xem xét kỹ. “Phải nghiên cứu kỹ lưỡng thủy văn, dòng chảy, không chỉ nói khơi là khơi, hút là hút như người ta hút cát”, ông Tự nói.

Về vốn đầu tư cho dự  án, theo lãnh đạo Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, hiện mới bước đầu nghiên cứu dự án, chưa xem xét vốn nhà đầu tư. “Còn Cty TNHH Xuân Thiện chỉ là người có ý tưởng và đề xuất lên, chưa phải chủ đầu tư. Với dự án hợp tác công - tư (PPP),  anh có đề xuất, nhưng đều phải đấu thầu chọn nhà đầu tư rộng rãi”, ông Tự nói. Quan trọng hiện nay, theo ông Tự, phải xem tính khả thi dự án ra sao.

Về vấn đề thu phí, bổ sung quy hoạch điện, giá bán điện, lộ trình thực hiện... theo Bộ KH&ĐT, chỉ xem xét khi dự án bước vào giai đoạn tiền khả thi, hiện đều là đề xuất của nhà đầu tư. 

“Không chỉ dự án này, đơn vị nào có ý tưởng hay và đề xuất để nghiên cứu cũng nên khuyến khích họ. Tới giai đoạn tiền khả thi, khả thi sẽ đòi hỏi phản biện xã hội rộng hơn để thẩm định dự án. Sau đó mới quyết định đầu tư hay không”, ông Tự nói.

Bộ GTVT nói gì?

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết, việc nghiên cứu dự án là quyền doanh nghiệp. Khi nhà đầu tư nghiên cứu xong và trình lên các bộ ngành mới nghiên cứu, họp bàn xét duyệt, khi đó Bộ GTVT sẽ có ý kiến, kể cả với việc thu phí tàu bè để thu hồi vốn. Theo ông Nhật, với các dự án PPP trong ngành giao thông, không tách chủ trương thu phí với đường bộ hay đường thủy, đã dự án PPP đều có quyền tính tới thu phí nhằm thu hồi vốn.

Trước đó, Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương nghiên cứu Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Công trình có tổng mức đầu tư lên 24.510 tỷ đồng, do Cty TNHH Xuân Thiện đề xuất. Trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư tự có, 70% còn lại sẽ vay thương mại.

Theo đó, mục tiêu dự án là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy sông Hồng qua kết nối tuyến vận tải Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) và Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Đồng thời cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ Kwh/năm. 

Nhà đầu tư đề xuất xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai. Kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp, với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến Hà Nội - Lào Cai.

Để thu hồi vốn, nhà đầu tư đề xuất thu phí với tàu thuyền qua lại, mức phí đoạn Việt Trì - Yên Bái từ 10 - 15 nghìn đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40 - 45 nghìn đồng/tấn. Nguồn điện tạo ra sẽ được bán giá khởi điểm từ 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên 3.560 đồng/kWh. Nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn trong vòng 25 năm.

Cho ý kiến về dự án cải tạo giao thông và thủy điện trên sông Hồng, Bộ Tài chính tỏ ra lo ngại về nguồn vốn đầu tư lên tới 24.510 tỷ đồng. Theo kế hoạch của nhà đầu tư, 70% vốn sẽ được vay thương mại, như vậy Cty TNHH Xuân Thiện buộc phải có vốn điều lệ 7.300 tỷ đồng. Trong khi hiện vốn điều lệ của đơn vị chỉ có 1.200 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.