Thủ lĩnh thanh niên truyền lửa Đoàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ X, giai đoạn 2022-2027 sẽ diễn ra vào tháng 10/2022. Trước thềm Đại hội, các thủ lĩnh thanh niên thuộc Quân khu 4 chia sẻ những tâm huyết với mong muốn “lửa Đoàn” tiếp tục được thắp lên trong giai đoạn tới.

Đề xuất nhiều mô hình hiệu quả

5 năm qua, trên cương vị Trợ lý Thanh niên Quân khu 4, Trung tá Nguyễn Văn Hùng là hạt nhân tập hợp, tổ chức nhiều hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên đạt kết quả nổi bật. Không chỉ là người đi đầu trong các hoạt động, anh còn đề xuất ra nhiều mô hình, cách làm hay, thu hút đông đảo ĐVTN trong quân đội tham gia.

Trung tá Nguyễn Văn Hùng đã tham mưu với Bộ Tư lệnh và Cục Chính trị Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên. Một loạt mô hình, cách làm sáng tạo đã được nhân rộng như: Chi đoàn “Một tốt, hai không, ba rèn luyện”; “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm”; “Khẩu đội toàn năng”; “Kíp xe thanh niên kiểu mẫu”; “Thư chiến sĩ”. Hướng đến những người dân nghèo, anh đã tham mưu tổ chức “Gian hàng 0 đồng thắm tình quân dân”; “Gian hàng Ai thiếu đến nhận - Ai dư đến cho”; “Chuyến xe yêu thương”...

Thủ lĩnh thanh niên truyền lửa Đoàn ảnh 1

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy và lãnh đạo Quân khu 4 tham quan các mô hình, sáng kiến tiêu biểu của tuổi trẻ Quân khu 4, giai đoạn 2017-2022

Không chỉ xuất sắc trong vai trò thủ lĩnh thanh niên, với sáng kiến “Máy hút lọc bụi trong khoan nổ đường hầm”, năm 2022, anh được Bộ Quốc phòng trao tặng giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Nhờ có sáng kiến này, đã giúp việc thi công đường hầm giảm tải được lượng bụi đáng kể, góp phần nâng cao sức khoẻ cho bộ đội và đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trung tá Hùng cho biết, hiện lực lượng vũ trang Quân khu 4 có hơn 1.000 cán bộ Đoàn và gần 15.000 đoàn viên. Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn như đội ngũ cán bộ cấp chi đoàn đa phần là kiêm nhiệm (trung đội trưởng), chưa được bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu nên chất lượng tổ chức các hoạt động có thời điểm còn hạn chế; kinh phí tổ chức hoạt động còn ít…

Thủ lĩnh thanh niên truyền lửa Đoàn ảnh 2

Lần lượt từ trái qua: Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Đại úy Nguyễn Sỹ Tuân và Đại úy Nguyễn Văn Nam

“Tôi mong muốn Đại hội Đoàn toàn quân cần đặc biệt quan tâm tìm giải pháp giải quyết một số vấn đề căn cơ về chế độ, chính sách hậu phương Quân đội cho đội ngũ cán bộ Đoàn, nhất là đội ngũ sĩ quan trẻ. Đồng thời quan tâm đến chế độ chính sách nhà ở và tiền lương đối với sĩ quan trẻ để họ an tâm công tác, hết lòng cống hiến phục vụ Quân đội và đất nước”, Trung tá Hùng chia sẻ.

Tạo nguồn kinh phí cho các hoạt động

Đại úy Nguyễn Sỹ Tuân (Chính trị viên phó, Bí thư Đoàn cơ sở Tiểu đoàn Tác chiến điện tử 97 Bộ Tham mưu Quân khu 4) đã có 10 năm cống hiến trong màu áo lính. Chàng thủ lĩnh Đoàn (sinh năm 1993 quê Thanh Chương, Nghệ An) có bố và mẹ đều là quân nhân (nay đã nghỉ hưu), vợ cũng đang phục vụ trong quân đội.

Đại úy Tuân chia sẻ, đơn vị của anh mới được thành lập từ năm 2017, quân số thường xuyên phân tán do phải cơ động thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ Đoàn chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng cán bộ, đoàn viên đều có tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Trên cương vị là Bí thư Đoàn cơ sở, Đại úy Tuân thường xuyên đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đoàn của đơn vị hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Một trong những mô hình hiệu quả được áp dụng ở Tiểu đoàn 97 là mô hình “Cắt tóc - rửa xe thanh niên”. Đoàn cơ sở đã thành lập 1 tổ cắt tóc và 1 tổ rửa xe phục vụ quân nhân toàn đơn vị. Qua đó, giúp tổ chức Đoàn có thêm nguồn kinh phí để kịp thời tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chỉ huy cấp trên xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động ngày một phong phú và đa dạng hơn.

“Năm 2021, tôi tham dự Hội thi cán bộ Đoàn giỏi toàn quân năm 2021 và được trao giải Nhất. Qua cuộc thi này, tôi có cơ hội để truyền tải những kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động của người cán bộ Đoàn tại đơn vị cơ sở, đồng thời gửi đến mọi cán bộ, đoàn viên những thông điệp ý nghĩa qua phần thi hùng biện với chủ đề: Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, Đại úy Tuân chia sẻ.

Trưởng thành nhờ Đoàn

Với Đại úy Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên phó, Bí thư Liên chi đoàn Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn Phòng không 283, quá trình phục vụ trong quân ngũ và tham gia hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên đã giúp anh thêm trưởng thành.

Đại úy Nam cho biết, nhiệm kỳ 2017-2022, tuổi trẻ Lữ đoàn đã xây dựng được 4 công trình thanh niên phục vụ đời sống của bộ đội. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi báo tường, hội trại thanh niên, diễn đàn thanh niên… Hưởng ứng phong trào thi đua “Thanh niên Quân đội chung tay, đánh bay đại dịch COVID-19”, Liên chi đoàn đã hiến kế cho Đoàn cơ sở Lữ đoàn thực hiện mô hình “Đồng hành vượt khó”, trong đó Liên chi đoàn Tiểu đoàn 1 nhận giúp đỡ một trường mầm non, tiểu học; các chi đoàn trực thuộc giúp đỡ 1 học sinh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch trên địa bàn đóng quân.

Trước đó, năm 2019, cá nhân Đại úy Nam đã tìm tòi, nghiên cứu và làm ra mô hình giáo dục trực quan các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn Quân khu 4 như quê hương Nam Đàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Thành cổ Quảng Trị… Mô hình đã góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất chính trị, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cũng như tinh thần, trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Lần đầu tiên tôi được tham dự Đại hội Đoàn toàn quân, đây sẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất, tự hào nhất trong đời quân ngũ của tôi. Về dự đại hội, tôi mong muốn được đóng góp ý kiến đi sâu vào chủ đề của báo cáo chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu, khẩu hiệu hành động cùng các khâu đột phá”, Đại úy Nam nói.

Giai đoạn 2017-2022, cán bộ, ĐVTN Quân khu 4 đã thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thanh niên, đóng góp hàng trăm ngàn ngày công và hàng ngàn công trình, phần việc. Các cấp bộ Đoàn trong quân khu đã nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu Phong Châu
Nguyên nhân sập cầu Phong Châu
TPO - Báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ liên quan vụ sập cầu Phong Châu cho biết bão số 3 đã gây ra mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao. Lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7) lúc 10h2 ngày 9/9.