Thủ lĩnh ẩn dật của IS từng bị nghi là không tồn tại cho đến khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt Abu Ibrahim al-Hashimi al-Quraishi, một số người thậm chí còn cho rằng thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không tồn tại vì hành tung của tên này quá bí ẩn.
Thủ lĩnh ẩn dật của IS từng bị nghi là không tồn tại cho đến khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt ảnh 1

Abu Ibrahim al-Hashimi al-Quraishi. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Người đàn ông ẩn dật

Al-Quraishi tên khai sinh là Amir Mohammed Abdul Rahman al-Mawli al-Salbi (46 tuổi), ngoài ra còn có khoảng hơn 20 tên, biệt danh, bí danh khác. Hắn được cho là một người Iraq gốc Turkmenistan, và bị nghi từng phục vụ trong quân đội của cựu Tổng thống Iraq - Saddam Hussein.

Al-Quraishi gia nhập al-Qaeda khi quân đội Mỹ lật đổ chính phủ Saddam vào năm 2003, và từng có một khoảng thời gian bị giam giữ trong nhà tù của Mỹ ở Iraq.

Tại đây, al-Quraishi gặp gỡ và cam kết trung thành với ông trùm khét tiếng Abu Bakr al-Baghdadi (thủ lĩnh sau này của IS).

Ra tù, al-Quraishi lẩn trốn trong thế giới ngầm của các chiến binh thánh chiến. Những hoạt động của al-Quraishi trong thời gian này đều được giữ kín. Dù vậy, nhiều người cho rằng al-Quraishi từng là cánh tay phải của al-Baghdadi.

Năm 2019, sau khi al-Baghdadi bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, al-Quraishi được bổ nhiệm làm thủ lĩnh IS. Người ra lệnh tiến hành cuộc đột kích là Tổng thống Mỹ thời điểm đó - ông Donald Trump.

Hành tung của al-Quraishi lúc này vẫn bí ẩn đến mức nhiều người tin rằng ông trùm thậm chí còn không tồn tại.

IS đang suy tàn

Cái chết của al-Baghdadi cách đây 3 năm từng được nhiều người coi là “chiếc đinh cuối cùng đóng lên quan tài của IS”.

IS từng kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở Iraq và Syria. Tuy nhiên phần lớn vùng lãnh thổ nhóm này chiếm được từ năm 2014 đã bị quân đội Syria cùng đồng minh Nga - Iran và các lực lượng đối lập do Mỹ bảo trợ giành lại.

Đến cuối năm 2019, IS chỉ còn kiểm soát một vài vùng đất ở Syria, và không còn ra lệnh tiến hành các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên trên đường phố châu Âu.

Tuy nhiên đến năm 2020, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá rằng IS - dưới sự chỉ huy của al-Quraishi - đang trỗi dậy sau khi số lượng các vụ tấn công tăng đột biến. Tháng 3/2020, al-Quraishi bị gán mác là Phần tử Khủng bố Toàn cầu.

Hồi giữa năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trao thưởng 5 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin có thể giúp bắt giữ al-Quraishi. Đến năm 2020, số tiền thưởng được tăng lên đến 10 triệu USD.

Thủ lĩnh ẩn dật của IS từng bị nghi là không tồn tại cho đến khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt ảnh 2

Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho người cung cấp thông tin có thể giúp bắt giữ al-Quraishi. Ảnh: RT

Ngoại trưởng Mỹ khi đó - ông Mike Pompeo nói rằng phần thưởng tăng gấp đôi do al-Quraishi “thúc đẩy các vụ bắt cóc, tàn sát và buôn bán người thiểu số tôn giáo Yazidi ở Tây Bắc Iraq, đồng thời cầm đầu một số nhóm khủng bố toàn cầu”.

Cái chết ở Idlib

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 3/2 thông báo al-Quraishi đã bị giết trong một "chiến dịch chống khủng bố" ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.

Người dân địa phương nói với AP rằng chiến dịch có sự tham gia của nhiều máy bay trực thăng. Họ nghe thấy tiếng nổ và tiếng súng máy.

Một quan chức Mỹ tiết lộ với Axios rằng thủ lĩnh IS đã tự sát bằng áo gắn bom ngay khi quân đội Mỹ tiến vào. “Khi chiến dịch bắt đầu, kẻ khủng bố đã cho phát nổ một quả bom khiến bản thân hắn ta và các thành viên trong gia đình - gồm cả phụ nữ và trẻ em - thiệt mạng”, nguồn tin cho biết.

Thủ lĩnh ẩn dật của IS từng bị nghi là không tồn tại cho đến khi Mỹ tuyên bố tiêu diệt ảnh 3

Toà nhà nơi al-Quraishi trú ẩn. Ảnh: Getty

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Cả 2 thủ lĩnh IS - al-Quraishi và al-Baghdadi đều bị Mỹ tiêu diệt ở Idlib, một tỉnh ở Tây Bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc nội chiến Syria, Idlib đã trở thành nơi giao tranh giữa lực lượng chính phủ và các tay súng đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Idlib hiện do các nhóm đối lập kiểm soát và là một trong số ít nơi trú ẩn tương đối an toàn còn lại cho các thành viên IS như al-Quraishi.

Dù phần lớn vùng lãnh thổ do IS kiểm soát đã bị mất, các thành viên IS buộc phải hoạt động chui lủi và thủ lĩnh thứ 2 của nhóm bị tiêu diệt trong vòng chưa đầy 3 năm, nhưng nhóm khủng bố này vẫn có khả năng thực hiện các vụ tấn công nhỏ lẻ.

Cách đây chưa đầy 2 tuần, IS đã tấn công một nhà tù ở Hasaka, Đông Bắc Syria. Khu vực này chịu sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Vụ tấn công đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Tuy nhiên, SDF đã giành lại quyền kiểm soát nhà tù sau hơn một tuần với sự trợ giúp của quân đội Mỹ.

“Nếu vụ tấn công của IS thành công, nhóm này chắc chắn cũng sẽ tiến vào các khu vực lân cận khác ở al-Hasaka, al-Hol, al-Shadada và Deir el-Zour để tiếp tục mở rộng địa bàn”, SDF cho biết trong một tuyên bố. “Họ muốn tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn để một lần nữa lan truyền chủ nghĩa khủng bố. Đây là bước đầu tiên của IS trong việc thành lập Nhà nước Hồi giáo thứ 2.”

Tuy nhiên các quan chức phương Tây tỏ ra nghi ngờ về khả năng hồi sinh của IS. “Các điều kiện hiện tại không cho phép IS sống dậy. Tôi nghĩ điều đó rất khó xảy ra”, một quan chức thuộc lực lượng chống khủng bố nói với VOA.

Theo RT
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.