Thu hút vốn FDI Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, nhiều địa phương đã vượt gần 200% chỉ tiêu đề ra.

“Cú hích” sau đại dịch

Năm 2021, Bình Dương đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn FDI. Tính đến tháng 11, địa phương này đã có 64 dự án FDI mới, 24 dự án điều chỉnh vốn và 161 dự án đầu tư theo hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD. Lũy kế đến nay, tỉnh này có 4.011 dự án FDI đến từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 37 tỷ USD.

Thu hút vốn FDI Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tăng mạnh ảnh 1

Công nhân sản xuất trong nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: Hương Chi

Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Dương Mai Bá Trước cho biết, dòng vốn FDI đã góp phần giúp tỉnh vượt khó để thực hiện “mục tiêu kép”. Trong năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 4,5% so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 31,5 tỷ USD (tăng 13,5%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24,6 tỷ USD (tăng 14,7%); thặng dư thương mại đạt 6,8 tỷ USD.

Năm nay, TPHCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19, khi có nhiều tháng liền phải giãn cách xã hội nhưng vẫn đứng vị trí thứ 3 cả nước về vốn FDI với gần 3,74 tỷ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản vào TPHCM là 3.218 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 7,41 tỷ USD. Tương tự, Long An xếp thứ 2 về thu hút vốn FDI trong năm 2021 với trên 3,84 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước.

Tại Đồng Nai, năm 2021 có 165 dự án của doanh nghiệp FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, 55 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 450 triệu USD và 110 dự án đề nghị bổ sung vốn thêm 850 triệu USD. Tính chung cả năm, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Đồng Nai đạt 1,3 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra.

Hiện tại, Đồng Nai đã thu hút hơn 1.600 dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc 42 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 32,4 tỷ USD. Các dự án FDI khá đa dạng, đầu tư vào các ngành nghề với quy mô và trình độ công nghệ khác nhau, chiếm đa số là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt máy, giày dép.

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cấp mới 46 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi tương đương 974,7 triệu USD, tổng diện tích đất sử dụng gần 290ha. Trong đó, 13 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 207,76 triệu USD, diện tích đất sử dụng hơn 49ha.

Ngoài ra, cũng có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 267,81 triệu USD. Những dự án đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu đều có quy mô lớn, riêng khu vực FDI vốn đăng ký bình quân khoảng 103 triệu USD cho một doanh nghiệp.

Thu hút có chọn lọc

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những lý do các doanh nghiệp FDI chọn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm điểm đến đầu tư là do nơi đây có nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương thấp hơn so với các nước trong khu vực, thị trường tiêu thụ hấp dẫn nhà đầu tư bởi dân số đông…

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, hiện đã có trên 96% trên tổng số 1.412 doanh nghiệp tại Hepza tái hoạt động, với số lao động trở lại nhà xưởng đạt trên 80% so với trước dịch. Sự ổn định trong điều hành kinh tế hơn một tháng qua đã tạo tín hiệu tích cực cho dòng vốn FDI quay trở lại TPHCM.

Sau thời gian giãn cách xã hội, một số nhà đầu tư nước ngoài đã làm việc với Hepza, đặt vấn đề thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy mới với quy mô vốn tương đối lớn, ngành nghề có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc thu hút vốn FDI vượt kế hoạch là kết quả của sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều chỉnh những quy định không còn phù hợp. Tuy nhiên, không vì vậy mà Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút đầu tư bằng mọi giá. Tỉnh này ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động.

DUY QUANG

Theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), việc TPHCM vẫn giữ được vị trí thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI là thành quả của quá trình tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; trọng tâm là các thủ tục hành chính đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các thủ tục hành chính khác liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Đồng thời, TPHCM cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại của các công chức, viên chức... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng cho cộng đồng doanh nghiệp FDI.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có chính sách mở cửa lại nền kinh tế. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư ra nước ngoài, nên Đồng Nai sẽ tận dụng cơ hội này mời gọi doanh nghiệp FDI thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế.

Cụ thể, Đồng Nai sẽ ưu tiên cho các nhà đầu tư thực hiện dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động để khi dịch bệnh xảy ra hạn chế tối đa thiệt hại.

Đồng thời, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư, sản xuất, xuất khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững, địa phương tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực với hình thức đa dạng, nhất là những dự án giao thông quan trọng; chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, thành phố thông minh, công nghệ thông tin.

Cụ thể, thời gian tới, Bình Dương ưu tiên thực hiện các dự án giao thông để thu hút đầu tư như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, dự án cải tạo quốc lộ 13...

Thu hút vốn FDI Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tăng mạnh ảnh 2

Hạ tầng giao thông được cải thiện là yếu tố then chốt giúp vốn FDI vẫn “chảy” vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

MỚI - NÓNG