GDP 2021 thấp nhất trong một thập kỷ: Tìm động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại dịch COVID-19 lan rộng khiến GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong bối cảnh đó, năm 2022, động lực cho kinh tế phục hồi, tăng trưởng trông chờ vào việc kiểm soát dịch bệnh, phát triển thị trường trong nước và mở cửa nền kinh tế.
GDP 2021 thấp nhất trong một thập kỷ: Tìm động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022 ảnh 1

Cộng đồng doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phục hồi, là động lực cho tăng trưởng 2022. Ảnh: Nguyễn Thắng

Ngày 29/12, tại họp báo về tình hình kinh tế xã hội quý 4 và cả năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Thống kê cho biết, ước tính GDP năm 2021 tăng 2,58%. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến nhiều tỉnh, thành phố giãn cách xã hội vì thế tăng trưởng kinh tế quý 3 bị âm.

“Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Ngành vận tải kho bãi giảm 5%. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,7%”, bà Hương cho biết.

Giữa bối cảnh ảm đạm do ảnh hưởng của dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều điểm sáng. Tiêu biểu như sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá.

Năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,58%, lạm phát ở mức 1,8%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,9%. Cả nước có 116.800 doanh nghiệp thành lập mới và gần 55.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 21,1 tỷ USD.

“Kết quả hoạt động năm 2021 của ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đánh giá.

Điểm sáng tiếp theo đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế tiếp tục phục hồi giúp cho thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 1.523 nghìn tỷ đồng, bằng 113% dự toán năm (tăng 180 nghìn tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa bằng 110% so với dự toán năm; thu từ dầu thô bằng 197%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng 122%.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký thêm tăng trở lại cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 31,1 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký có 1.738 dự án được cấp phép mới. Có 985 lượt dự án đã được cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 9 tỷ USD, tăng 40% so với năm trước.

Kiểm soát dịch bệnh để tạo động lực cho tăng trưởng

Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2022, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế, dự báo, cầu nội địa phục hồi và gia tăng dần nhờ tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Ngoài ra, triển vọng về tiêu dùng trong nước được dự báo sẽ sáng sủa hơn, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm khi người lao động trở lại các nhà máy, khu công nghiệp sau thời gian trở về địa phương tạm lánh dịch bệnh.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) - một trong những động lực chính của nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhờ gói hỗ trợ chính sách tài chính và thuế khóa trực tiếp. Trong đó, thị trường nội địa vẫn sẽ là “điểm tựa” an toàn để DN Việt Nam duy trì hoạt động, chuẩn bị tốt để tham gia khi thị trường thế giới ổn định trở lại.

Bên cạnh đó, từ 1/1/2022, các đường bay quốc tế có thể được mở cửa trở lại, khách quốc tế có cơ hội đến Việt Nam và người Việt Nam có thể đi du lịch nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển như lưu trú, ăn uống, bán buôn, bán lẻ... “Dự kiến, năm 2022 sẽ có thuốc điều trị COVID-19, đây chính là động lực lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam để phục hồi trở lại sau đại dịch”, ông Hùng nhận định.

Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.